Muốn một biển Đông hòa bình, ổn định và phát triển, cần phải có những chính trị gia cũng như những dân tộc, quốc gia đại diện cho tiếng nói của lý trí, của khoa học và khách quan, dũng cảm từ bỏ những đòi hỏi sai trái, vô lý của mình.

>> Tranh chấp biển Đông: Trung Quốc đã "nghĩ lại"

>> Tranh chấp biển Đông: Có nước chỉ tính lợi ích trước mắt

Tâm điểm đường lưỡi bò

Hội thảo quốc tế về biển Đông thường niên đã kết thúc vào lúc 18h30 ngày 12/11/2013. Qua hai ngày hội thảo với 9 phiên trình bày và thảo luận, hội thảo thực sự là cần thiết và bổ ích cho những ai quan tâm đến vấn đề biển Đông.

Bên cạnh những mối quan tâm thường kỳ như môi trường an ninh biển Đông "đường lưỡi bò", khả năng duy trì hòa bình và hợp tác phát triển an ninh trong khu vực, thì những vấn đề mới nảy sinh như vụ kiện của Philippines trước Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước luật biển năm 1982, diễn biến tại biển Đông trong thời gian gần đây, biển Đông trong quan hệ của các cường quốc, tương lai của Bộ quy tắc ứng xử biển Đông... cũng được các đại biểu tham dự hội thảo cùng nhau trao đổi và tranh luận.

Các đại biểu đã tranh luận rất sôi nổi về đường lưỡi bò. Ngay cả các đại biểu từ Đài Loan (đã cho xuất bản bản đồ có hình đường lưỡi bò đầu tiên) cũng không chấp nhận lập luận pháp lý biện minh cho đường lưỡi bò của phía Trung Quốc.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Mặc dù, cuối hội thảo, có học giả Trung Quốc thắc mắc là dường như các đại biểu nhằm vào phía Trung Quốc mà chỉ trích quá nhiều, nhưng ngay sau đó, GS Kuan Hsiung Wang từ Đài Loan đã cho rằng: chủ đề đường lưỡi bò vốn luôn là chủ đề chính trong nhiều hội thảo biển Đông trên thế giới. Nếu hội thảo về biển Đông mà không nhắc đến đường lưỡi bò này thì sẽ rất buồn tẻ, và đường lưỡi bò được nhắc tới nhiều cũng bởi vì tính mơ hồ cũng như tham vọng quá lớn từ yêu sách của phía Trung Quốc ở đây.

GS Dong Wang từ Trung Quốc trong phần trình bày của mình thì cho rằng, đang có những quan điểm khác biệt của các nhà nghiên cứu Trung Quốc về việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Chúng ta đều biết, rất nhiều tờ báo Trung Quốc luôn đưa những quan điểm 'diều hâu" như cần phải sử dụng sức mạnh quân sự để "giành lại chủ quyền trên những hòn đảo ở Nam Sa", nhưng GS Dong Wang cũng cho biết là có những ý kiến khác biệt ở Trung Quốc cho rằng: "việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp biển sẽ làm cho Trung Quốc trở nên hỗn loạn". Chính điều đó cho thấy, việc sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết tranh chấp biển Đông không phải là biện pháp tốt, mà sẽ gây hậu quả tiêu cực cho tất cả các bên, cho dù đối với cường quốc như Trung Quốc đi nữa.

Bài tham luận của PGS Nong Hong từ Viện nghiên cứu biển Nam Trung Hoa (Trung Quốc) thì trình bày rằng, cách tiếp cận từ phía Trung Quốc về vấn đề biển Đông, trong đó có COC, đang dần thay đổi từ lập trường song phương sang lập trường đa phương, mặc dù sự thay đổi này diễn ra rất chậm chạp. Điều này dẫn đến những lạc quan cho một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN sớm ra đời. Đối lập với quan điểm này của PGS Nong Hong, TS Ralf Emmers từ Singapore lại khẳng định Trung Quốc đang tìm cách "câu giờ", kéo dài việc đàm phán về COC càng lâu càng tốt, vì như vậy sẽ có lợi cho Trung Quốc với việc mở rộng sự có mặt của họ trên thực địa, bất chấp cả các cam kết của họ cũng như luật pháp quốc tế.

Nhiều đại biểu tỏ ý lo ngại về tiến trình của COC. Học giả Termsak từ Thái Lan (Quốc gia đang đóng vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc) cho rằng sớm nhất thì phải tới 2015, tiến trình đàm phán COC mới có thể bắt đầu được, và tiến trình này có thể thực hiện được hay không phụ thuộc rất lớn vào thiện chí từ phía Trung Quốc.

Yêu sách "lộn xộn cố ý"

Giải quyết tranh chấp biển Đông cũng bị ảnh hưởng rất lớn từ chính sách của các cường quốc, đặc biệt là từ phía Trung Quốc và Hoa kỳ.

Chính sách của cả hai quốc gia này liên quan đến biển Đông có những điểm rõ ràng, nhưng lại có những điểm không rõ ràng. Tham vọng của Trung Quốc với biển Đông khá rõ, nhưng lại được thể hiện qua những yêu sách mơ hồ và lộn xộn một cách cố ý, còn chính sách "tái cân bằng quyền lực ở châu Á" của Hoa Kỳ dù đã được tuyên bố công khai, nhưng cân bằng cụ thể như thế nào, thực hiện đến đâu, cũng là những vấn đề chưa rõ ràng. Chính những điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết tranh chấp.

Ngay trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý - Giám đốc Học Viện Ngoại Giao (đơn vị đồng chủ trì tổ chức hội thảo) đã phát biểu về vấn đề "gác tranh chấp, cùng khai thác".

Ông cho rằng, phía Việt Nam cũng không phản đối chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" của phía Trung Quốc (mặc dù Việt Nam luôn kiên trì giải thích quan điểm đó của phía Việt Nam là "hợp tác cùng phát triển" trong các văn kiện chính thức), tuy nhiên theo ông Quý, vấn đề cốt lõi trong "gác tranh chấp, cùng khai thác" đó là phải xác định được đâu là vùng tranh chấp và đâu là vùng không tranh chấp, từ đó mới có thể bàn đến chuyện "gác tranh chấp, cùng khai thác" trên những vùng biển đang tranh chấp.

Và để xác định được đâu là vùng không tranh chấp, đâu là vùng đang tranh chấp thì lại phải dựa vào luật pháp quốc tế, trong đó quan trọng nhất là Công ước luật biển 1982, theo đó, mỗi quốc gia sẽ có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng nội thủy, lãnh hải, vủng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo đó, vùng biển đang tranh chấp phải là vùng biển nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam, và tại vùng đó mới có thể áp dụng "gác tranh chấp, cùng khai thác" được.

Trình bày rõ hơn về vấn đề này, TS Nguyễn Đăng Thắng từ Hội luật gia VN trong tham luận của mình đã nêu rõ những trở ngại cho việc áp dụng chủ trương "khai thác chung" của phía Trung Quốc, trong đó yêu sách về đường lưỡi bò, sự mập mờ trong việc giải thích và áp dụng điều 121 của Công ước luật biển 1982 cho các cấu trúc địa chất thuộc Hoàng Sa và Trường Sa đang là các yếu tố cản trở quá trình "khai thác chung" này.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất từ các đại biểu của hội thảo này, tập trung vào một sự kiện mới phát sinh trong năm 2013, đó là vụ Philippines kiện Trung Quốc ra một Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước luật biển 1982. Cho đến nay, có nhiều dự đoán được đưa ra cho phán quyết của Tòa (mà dự đoán thì có thể đúng, có thể sai), nhiều mong đợi từ phán quyết của Tòa, nhưng cũng nhiều lo ngại sự né tránh từ Tòa khi phán quyết sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ cho tình hình biển Đông.

Hội thảo biển Đông kết thúc, cho dù vẫn còn những bất đồng giữa các đại biểu.

Tuy nhiên, sự đồng thuận quan điểm từ họ về mong ước cho một biển Đông, hòa bình, ổn định và phát triển là một điểm đáng lưu ý, và để đạt được những điều ấy, cần phải có những chính trị gia cũng như những dân tộc, quốc gia đại diện cho tiếng nói của lý trí, của khoa học và khách quan, dũng cảm từ bỏ những đòi hỏi sai trái, vô lý của mình.

Chỉ có như vậy, biển Đông mới có thể trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển được.

  • Hoàng Việt