Vụ đụng độ giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra không chỉ bởi một vùng lãnh thổ tranh chấp giàu dầu khí. Nó còn do nguồn cá và các tài nguyên thủy hải sản đang ngày càng trở nên khan hiếm. Khi các chính khách cố gắng giải quyết va chạm, thì ngư dân của cả hai nước - vốn hàng ngày nỗ lực kiếm sống - đang mắc kẹt ở giữa.
>> Mỹ sẽ giúp Philippines giám sát tàu ở Biển Đông
>> Tiền Trung Quốc không mua được tình bạn Philippines
Chợ cá ở Masinloc, Zambales, Philippines |
Khi những cơn bão đổ bộ, các ngư dân Philippines tại Masinloc đã cùng nhau kéo thuyền khỏi mặt nước, neo đậu chắc chắn chống bão. Sinh kế của khoảng 2.000 gia đình nơi đây phụ thuộc vào biển, nhưng tranh chấp với Trung Quốc ở những bãi cá giàu có tại bãi cạn Scarborough đã khiến họ mất đi thu nhập.
Miguel Bitana nói rằng, chỉ một vài ngày ở bãi cạn, ông có thể kiếm được lượng cá bằng cả một tuần hoặc hơn thế ở các vùng biển địa phương. “Thực sự là nguồn cá đã suy kiệt", Bitana nói."Đó cũng là điều khiến chúng tôi cảm thấy tồi tệ rằng việc đánh cá bị cấm nhưng tại sao người Trung Quốc vẫn đang đánh bắt tại đây? Tại sao người Philippines chúng tôi lại không được phép tới đó?".
Trong khi đó, nguồn cá sụt giảm ở quanh các vùng biển Hồng Kông đã buộc các ngư dân phải mạo hiểm đi vào các vùng lãnh thổ tranh chấp, đối mặt với rủi ro xung đột và đối đầu. Pang Wah-kan, Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp các tổ chức ngư dân Hong Kong nói: “Chúng tôi bắt đầu đánh cá ở Biển Đông từ những năm 1960, sau đó có những thông tin rằng, nhà chức trách Philippines đã bắt giữ ngư dân, tàu cá của chúng tôi và phạt họ, cũng có một số trường hợp bị nhà chức trách Malaysia bắt giữ".
Vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines xảy ra vào đầu tháng 4 khi một tàu hải quân Philippines cố gắng bắt giữ các ngư dân Trung Quốc với cáo buộc đánh bắt và xâm nhập trái phép ở vùng lãnh thổ mà Manila tuyên bố chủ quyền. Tàu hải giám Trung Quốc sau đó đã ngăn chặn và hai bên kể từ đó thường xuyên đưa ra cảnh báo lẫn nhau.
Nestor Daet là người phụ trách một nhóm giám sát ngư dân của Masinloc chuyên xem xét vấn đề đánh bắt trái phép. “Tôi nghĩ chính phủ của chúng tôi có thể điều động hai tàu, hay bốn tàu? Hoặc những con tàu phòng vệ bờ biển khác", Daet nhấn mạnh. "Nhưng so sánh với các tàu hải quân Trung Quốc thì không tương xứng, giống như là David và người khổng lồ Goliath".
Ngư dân của cả hai bên cho rằng, chính phủ cần có được một thỏa thuận nhanh chóng để họ có thể trở lại kiếm sống. “Chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau để bảo vệ vùng biển của mình, để có thể trở lại các bãi cá", Jerry Escape, một viên chức tại Cục Ngư nghiệp và tài nguyên thủy sản ở Masinloc nói.
Bất chấp đụng độ, ngư dân ở Masinloc nói rằng, quan hệ của họ với ngư dân Trung Quốc luôn luôn hữu nghị, trong quá khứ họ thường chia sẻ, trao đổi với nhau khi đánh bắt xa bờ. Họ hy vọng truyền thống ấy sẽ tiếp tục trong mùa đánh bắt tới tại bãi cạn tranh chấp Scarborough.
Thái An (theo Inquirer)