Ấn Độ đã quyết định nới lỏng các hạn chế về việc xây dựng đường sá và các cơ sở quân sự dọc biên giới tranh chấp với TQ. Giới quan sát cho rằng, đây là động thái của chính phủ mới nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về ưu thế mạng lưới giao thông cũng như lập trường lãnh thổ cứng rắn hơn từ Bắc Kinh.
Lính TQ-Ấn Độ tại khu vực biên giới hai nước.
Ảnh: straitstimes |
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar nói rằng, ông đã nới lỏng những quy định về môi trường trong phạm vi 100km vùng biên giới tranh chấp ở bang Arunachal Pradesh nhằm thúc đẩy tốc độ xây dựng khoảng 6.000km đường giao thông. Việc cho phép xây dựng các đơn vị quân đội, kho vũ khí, trường học và bệnh viện ở khu vực dân cư thưa thớt được thông báo ngay trước lúc Chủ tịch TQ Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Ấn Độ ngày 17-18/9.
"Đây là sự chuẩn bị về mặt quốc phòng", ông Javadekar nói. "Về phía biên giới TQ, họ không chỉ xây dựng hệ thống đường sá tốt, mà còn đang tăng tốc thiết lập mạng lưới đường sắt. Quân đội của chúng ta đối mặt với nhiều vấn đề vì chất lượng đường sá xuống cấp", ông nhấn mạnh.
Việc xây dựng cầu đường tại khu vực biên giới Ấn Độ sẽ bắt đầu trong vài tháng tới.
Sự thay đổi của Ấn Độ phù hợp với những kỳ vọng rằng, Thủ tướng mới của nước này - ông Narendra Modi - đắc cử bốn tháng trước đây sẽ có lập trường cứng rắn hơn trong tranh chấp lãnh thổ với người láng giềng.
Hoạt động ngoại giao châu Á trở nên 'nhộn nhịp' khác thường khi ông Modi tuyên bố rõ ý định sẽ đóng vai trò tích cực trên vũ đài quốc tế bằng cách mời các nhà lãnh đạo khu vực tham dự buổi nhậm chức hồi tháng 5. Chuyến thăm song phương đầu tiên của ông ra ngoài khu vực là Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đã tới thăm Nam Á đầu tháng, trước chuyến thăm của ông Tập tại khu vực trong tuần này.
Tư duy hoàn toàn thay đổi
Sau khi lên nắm quyền, ông Modi đã nhanh chóng bổ nhiệm một cựu chỉ huy quân đội làm Bộ trưởng khu vực biên giới đông bắc nhằm tăng tốc phát triển cho vùng này.
Kế hoạch xây dựng đường sá đánh dấu sự mở rộng đáng kể hệ thống cơ sở hạ tầng ở vùng xa xôi Arunachal Pradesh - vùng miền núi hiểm trở mà TQ gọi là Nam Tây Tạng. TQ đã cải tổ mạnh đường sá nơi đây, họ đang xây dựng và mở rộng các sân bay, cầu cảng ở phía của mình tại Tây Tạng.
Theo báo cáo năm 2010 của Lầu Năm Góc, TQ đã điều động các tên lửa hạt nhân tầm trung đến khu vực này và triển khai khoảng 300.000 quân ở khắp cao nguyên Tây Tạng.
Chương trình cải tổ mạng lưới giao thông của chính phủ Modi có thể trợ giúp cho kế hoạch thiết lập một lữ đoàn tác chiến miền núi với 80.000 quân có thể di chuyển dễ dàng dọc theo biên giới Ấn Độ.
Hai quốc gia đông dân nhất thế giới đã có một cuộc chiến chớp nhoáng ở vùng này vào năm 1962. TQ luôn đưa ra các bản đồ khẳng định toàn bộ Arunachal Pradesh thuộc về lãnh thổ của họ.
Nỗ lực của Ấn Độ trong việc phát triển khu vực biên giới với TQ gần đối tương đối trì trệ. Trong năm 2013, người tiền nhiệm của ông Modi công bố kế hoạch xây dựng 850km đường mới ở vùng biên giới và nâng cấp các sân bay, nhưng thực thi không có nhiều tiến triển.
Những chính phủ trước đây của Ấn Độ thường bỏ quên cơ sở hạ tầng tại Arunachal Pradesh - nơi được coi là vùng đệm tự nhiên đối phó với bất kỳ sự xâm nhập nào từ phía TQ. Quan điểm này đã bị phủ nhận khi sự phát triển ở phía TQ ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
"Đây là sự thay đổi hoàn toàn trong tư duy chiến lược", Namrata Goswami, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng ở New Delhi đánh giá.
Phụ thuộc và bất tín
Ấn Độ và TQ có mối quan hệ khá phức tạp khi quan hệ kinh tế phát triển nhưng lại tồn tại nhiều hoài nghi do tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết.
Quân đội hai nước này đã chạm trán nhau hồi tháng 5/2013 tại phía tây Himalaya sau khi lính TQ xâm nhập sâu 10km vào vùng lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Sự việc này dẫn tới nhiều lời thúc giục Ấn Độ nhanh chóng có biện pháp đối phó với hàng xóm.
Phát biểu ở Bắc Kinh gần đây, cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval cho biết, vấn đề tranh chấp biên giới sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Trở lại quyết định nới lỏng những quy định môi trường, ông Javadekar nói, việc xây dựng đường sá trong phạm vi 100km của 'Đường kiểm soát thực tế' sẽ diễn ra theo lịch trình được phê chuẩn thống nhất. Theo đó, các yêu cầu tái trồng rừng sẽ được giảm bớt.
Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh các dự án điện tại nhiều bang giáp TQ và khẳng định sẽ tiếp tục kể cả khi các cơ quan phát triển quốc tế không hỗ trợ những vùng có tranh chấp với TQ.
Thái An (theo Reuters)