Việc anh Floyd, 46 tuổi bị cảnh sát ghì cổ đến chết ở Minneapolis, bang Minnesota hồi tuần trước đã châm ngòi nổ cho những cuộc biểu tình công phẫn trên khắp nước Mỹ. Mặc dù 4 cảnh sát liên quan trực tiếp đến sự cố đã bị sa thải và một người trong số đó đã bị bắt cũng như bị truy tố tội giết người, nhưng những người biểu tình vẫn coi các động thái đó là chưa đủ cứng rắn và mang lại công lý cho nạn nhân.

{keywords}
Đám đông biểu tình đang kéo về phía Nhà Trắng. Ảnh: BBC

Tiếp sau Minneapolis, nhiều thành phố khác của Mỹ đã áp lệnh giới nghiêm nhằm khôi phục trật tự khi các cuộc biểu tình đòi công bằng sắc tộc đã bước sang ngày thứ 8 và biến thành bạo lực, đi kèm cướp bóc ở một số nơi.

Theo CNN, lệnh giới nghiêm ở thủ đô Washington DC bắt đầu có hiệu lực từ 19h ngày 2/6 theo giờ địa phương (8h ngày 3/6 theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, những người biểu tình trước Nhà Trắng chưa cho thấy dấu hiệu sẽ khuất phục và rời đi.

Một cánh cổng mới đã được dựng lên, mở rộng vành đai an ninh xung quanh Nhà Trắng, sau khi cảnh sát và binh lính quân đội đụng độ với đám đông biểu tình hơn 30 phút một ngày trước đó. Các nhân chứng nói, Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren cùng chồng cũng có mặt trong đám đông biểu tình trước trụ sở làm việc của Tổng thống Donald Trump trong ngày 2/6.

{keywords}
Paul Pazen, Cảnh sát trưởng Denver, bang Colorado (giữa) cùng hòa vào dòng người biểu tình đòi công bằng sắc tộc. Ảnh: CNN

Đáng chú ý, Paul Pazen, Cảnh sát trưởng Denver, bang Colorado cũng tay trong tay cùng những người biểu tình đổ ra đường tuần hành tại thành phố của ông. Trả lời phỏng vấn của báo giới, ông Pazen tiết lộ, những lời gan ruột của đám đông biểu tình đã truyền cảm hứng và sẽ giúp lực lượng cảnh sát địa phương hiểu rõ các vấn đề cần phải cải thiện.

Về 54 vụ bắt giữ người biểu tình hồi đầu tuần này ở Denver, với phần lớn là những trường hợp vi phạm lệnh giới nghiêm, ông Pazen giải thích bản thân mong muốn "đối thoại thay vì phá phách" và ủng hộ các cuộc biểu tình hòa bình.

{keywords}
Một người biểu tình đứng ngay trước hàng rào vệ binh quốc gia của bang California. Ảnh: CNN

Truyền thông Mỹ đưa tin, các nhân viên chấp pháp ở một số thành phố Mỹ đã bị tấn công tối 2/6 khi các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh giới nghiêm. Trong đó, 4 cảnh sát ở St Louis, bang Missouri và một cảnh sát ở Las Vegas, bang Nevada bị bắn, còn hai người khác bị thương do xe đâm ở New York trong lúc xô xát với những người biểu tình.

Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr tuyên bố sẽ cho triển khai các biện pháp mạnh tay hơn nhằm trấn áp bạo loạn.

{keywords}
Terrence Floyd (áo trắng), em trai của nạn nhân George Floyd, cùng nhiều người biểu tình đến viếng anh trai mình trước đài tưởng niệm dã chiến ở Minneapolis. Ảnh: Reuters

Để trấn an dư luận, Thống đốc Minnesota Tim Walz cho biết, Cục Nhân quyền của bang sẽ tiến hành điều tra các dấu hiệu phân biệt chủng tộc ở Sở cảnh sát Minneapolis trong vòng 10 năm trở lại đây, sau cái chết của công dân Floyd.

Tuấn Anh