Theo AP, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell hôm 2/6 tuyên bố trước báo giới rằng, tổ chức gồm 27 quốc gia thành viên này cảm thấy "sốc và kinh hoàng" khi công dân Mỹ gốc Phi Floyd, 46 tuổi bị cảnh sát ghì tới chết ở Minneapolis, bang Minnesota hồi tuần trước. Ông Borrell gọi đây là hậu quả của hành động lạm dụng quyền lực, đáng bị lên án.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell. Ảnh: AP |
Lãnh đạo chính sách đối ngoại EU nhấn mạnh, châu Âu ủng hộ quyền biểu tình hòa bình và phản đối các hành vi bạo lực cũng như phân biệt chủng tộc dưới bất kỳ hình thức nào. Ông cũng kêu gọi người dân Mỹ "tránh leo thang căng thẳng, hàn gắn và cùng nhau bắt tay giải quyết các vấn đề quan trọng trong thời khắc khó khăn này".
Quan chức ngoại giao hàng đầu EU có những phát biểu trên giữa lúc người dân ở nhiều nơi trên thế giới đã đổ ra đường tuần hành nhằm thể hiện sự đoàn kết với những người biểu tình Mỹ đang đòi công bằng cho cái chết của Floyd.
Đám đông tuần hành ở Sydney, Australia để bày tỏ sự phẫn nộ về cái chết của công dân Mỹ gốc Phi Floyd. Ảnh: AP |
Tại Sydney, Australia, hàng nghìn người đã tuần hành qua trung tâm thành phố hôm 2/6, hô vang các khẩu hiệu "Tôi không thể thở được", câu trăng trối cuối cùng cả Floyd và David Dungay, một thổ dân 26 tuổi đã tử vong trong một nhà tù Sydney năm 2015 trong lúc bị 5 lính gác trấn áp.
Đám đông quy tụ khoảng 3.000 người tuần hành đã di chuyển từ công viên Hyde đến trụ sơ cơ quan lập pháp bang New South Wales, rồi tiếp tục đến lãnh sự quán Mỹ.
Trước đó, tối 1/6, khoảng 2.000 người đã tiến hành biểu tình hòa bình ở thành phố Perth, bờ tây Australia để bày tỏ sự công phẫn về cái chết của Floyd. Các thành phố khác của Australia cũng dự định tổ chức các hoạt động tuần hành tương tự trong tuần này.
Những người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc ở Amsterdam, Hà Lan hôm 1/6. |
Tại châu Âu, hôm 1/6, hàng ngàn người cũng đổ ra các đường phố Amsterdam, Hà Lan để phản đối sự thô bạo của cảnh sát, trong khi đám đông biểu tình ở Paris mang theo biểu ngữ có ghi "Sự phân biệt chủng tộc đang làm chúng tôi nghẹt thở" để đòi chính phủ Pháp phải xem xét các hành vi bạo lực của cảnh sát nghiêm túc hơn.
Nhiều lãnh đạo ở châu Phi như Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo, cựu Thủ tướng và hiện là lãnh đạo phe đối lập Kenya Raila Odinga, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Tito Mboweni cũng bày tỏ sự đau buồn và kêu gọi công bằng, tự do cho mọi sắc tộc ở Mỹ.
Tuấn Anh