Xét theo quy định hiện hành, việc bồi thường thiệt hại bình cứu hỏa cháy nổ căn cứ trên nguyên tắc: ai có lỗi trực tiếp dẫn đến việc cháy nổ.

Không nhìn thấy cảnh sát, nhiều người phá luật

Ô tô phải có bình chữa cháy: ‘Chữa’ ngọn mà quên gốc?

Sai phạm giao thông: ai có quyền xử

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến một quy định mới bắt buộc xe ô tô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị bình chữa cháy.[1]

Trấn an dư luận không chỉ cần lời nói

Trên thực tế, đây chỉ là một quy định làm rõ hơn Luật Phòng Cháy, Chữa Cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, Điều 18 của Luật Phòng Cháy, Chữa Cháy (PCCC) ban hành từ năm 2001 (15 năm trước) quy định phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ trở lên phải đảm bảo các điều kiện về PCCC. 

Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCCC từ năm 2003 cũng đã quy định xe ô tô 4 chỗ trở lên phải có trang thiết bị PCCC trong xe theo quy định của Bộ Công an.[2]  Nghị định hướng dẫn gần đây nhất của Luật PCCC là Nghị định 79/2014/NĐ-CP vẫn giữ nguyên quy định kể trên.[3]

Như vậy, Thông tư 57 chỉ là một bước làm rõ những quy định của Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tồn tại suốt 15 năm nay. Xét trên góc độ luật pháp, việc ban hành thông tư này là có cơ sở.

Thế nhưng, một quy định còn phải mang tính hợp lý, bên cạnh tính hợp pháp.

Xung quanh một số thắc mắc của dư luận, đích thân đại diện Bộ Công an một lần nữa phải lên tiếng khẳng định nhóm lợi ích không tồn tại để trấn an, còn một cán bộ khác thì thận trọng hơn khi không dám kết luận về điều này.[4]

Có hay không nhóm lợi ích là việc không thể kết luận chỉ dựa trên phỏng đoán hay trên một lời tuyên bố từ phía chính quyền. Nhưng những nghi vấn là có thật và Bộ Công an cần có những động thái rõ ràng hơn nữa để giải tỏa. 

Điều này cần được thực hiện bằng cơ chế luật pháp, chẳng hạn như việc công khai, minh bạch trong tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp hợp quy, giá thành tham khảo của mặt hàng bình chữa cháy trên thị trường. Biện pháp trên nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp “sân sau” trục lợi, cũng như tình trạng “làm giá” sản phẩm như từng xảy ra trong thời kỳ đầu khi quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm có hiệu lực.

{keywords}
Quy định bắt buộc lắp bình chữa cháy trên ô tô thu hút nhiều tranh luận. Ảnh minh họa: Zing.vn

Bình cháy nổ, ai chịu trách nhiệm?

Nhiều người bày tỏ lo ngại nguy cơ tự phát nổ của bình chữa cháy khi nhiệt độ cao. Đại diện của Bộ Công an thì cho rằng khả năng xảy ra cháy nổ là hãn hữu, và nếu có xảy ra cũng khó có thiệt hại về người.[5]

Xét theo quy định hiện hành, việc bồi thường thiệt hại bình cứu hỏa cháy nổ cần căn cứ trên nguyên tắc: ai có lỗi trực tiếp dẫn đến việc cháy nổ.

Nếu chứng minh được rằng hàng hóa bị khuyết tật dẫn đến việc dù đã được chủ xe bảo quản đúng cách, sử dụng đúng chỉ dẫn nhưng vẫn phát nổ, thì đơn vị cung cấp hoặc đơn vị sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm, căn cứ theo quy định của Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, nếu nhà cung cấp đã có những chỉ dẫn rõ ràng về miễn trừ trách nhiệm, chẳng hạn việc không được để trong môi trường quá 55 độ C, thì việc bình cứu hỏa phát nổ trong các điều kiện như thế được xem là một trường hợp thương nhân được miễn trừ trách nhiệm theo quy định của Luật Thương Mại.

Tâm lý hiện nay với đa số lái xe là mua bình cứu hỏa để đối phó, thường không tham khảo kỹ hướng dẫn sử dụng, dẫn đến việc dễ sử dụng sai, gây thiệt hại cho bản thân và tài sản.

Về phía Bộ Công an, quy định hiện hành cũng như thực tiễn xét xử không cho thấy bộ này sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự cố xảy ra do cháy, nổ bình cứu hỏa.

“Hầu hết người dân đều đồng tình”?

Một băn khoăn lớn hơn của người viết là liệu có thực sự Thông tư 57 được “hầu hết cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải đồng tình” như tuyên bố trên báo chí của một đại diện PCCC?

Theo tìm hiểu của người viết, hiện chưa có một cuộc khảo sát công khai nào do giới báo chí hay đơn vị phi Nhà nước thực hiện về sự đồng tình của người dân đối với Thông tư 57. Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng ở đây không phải là quy định kể trên có được nhiều người đồng tình hay không.   

Thay vì tìm kiếm sự đồng thuận của người dân, vốn dĩ không quen và có phần thờ ơ với các quy định của Nhà nước, Bộ Công An nên tập trung nhiều hơn vào tìm kiếm sự phản biện trung thực từ phía các nhà khoa học. Với chuyên môn của mình, họ sẽ trả lời được thuyết phục, chính xác vấn đề với điều kiện thời tiết Việt Nam, quy định như Thông tư 57 có hợp lý, tương quan lợi ích ra sao, có khả thi, có hàm chứa rủi ro nào không...?

Bởi lẽ, nếu Bộ Công an không lắng nghe tiếng nói của dư luận đã là một điều dở, song khuất phục trước sức ép số đông lại là điều tệ hơn cho một Nhà nước dân chủ. Thiết nghĩ đó mới là cách tranh luận khoa học, dân chủ để giải quyết vấn đề.

Lê Nguyễn Duy Hậu 

>> Xem thêm bài cùng chủ đề: Ô tô phải có bình chữa cháy: ‘Chữa’ ngọn mà quên gốc?

Giả dụ tình trạng cháy nổ cấp bách, nhà làm luật cần tự hỏi liệu có giải pháp nào căn cơ hơn mà không đòi hỏi xã hội phải mất thêm chi phí mua bình chữa cháy.


[1] Điều 4, Thông tư 57/2015/TT-BCA
[2] Điều 12.1.d, Nghị định 35/2003/NĐ-CP
[3] Điều 10.1.đ
[4] Trả lời Zing.vn ngày 08/01/2016, đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục PCCC nói: “Đến giờ tôi chưa phát hiện được lợi ích nhóm ở đây. Tôi không dám nói rằng chưa có, vì biết đâu được.”
[5] Chịu nhiệt đến 55 độ C, bình chữa cháy trên ôtô có dễ nổ? , Tuổi trẻ, 09/01/2016.