Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định cho biết, hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.030 tấn/ngày. Trong đó, tổng lượng rác thải được thu gom và xử lý chỉ chiếm khoảng hơn 68,5% tổng lượng rác phát sinh, với tỷ lệ thu gom rác ở khu vực đô thị đạt 82,59% trong khi khu vực nông thôn chỉ đạt gần 52,5%.
Trong khi đó, tại các bãi rác trên địa bàn đang gặp nhiều vấn đề. Hiện tại, cấp huyện có 11 bãi rác nhưng chỉ có 5 bãi được xây dựng đảm bảo quy cách và vệ sinh. Ngoài ra, có 28 bãi rác do cấp xã quản lý, thì trong số đó có nhiều bãi không đáp ứng quy định kỹ thuật và an toàn.
Cũng theo Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định, tại thành phố Quy Nhơn, chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh mỗi ngày khoảng 7,4 tấn, khối lượng được thu gom, xử lý khoảng 6 tấn, chiếm tỷ lệ 81,5%. Trên địa bàn tỉnh, mỗi ngày tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh khoảng 310 tấn; trong đó, khoảng 85% được tái sử dụng, còn lại được xử lý hoặc chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt.
Trong khi đó, công tác quản lý và vận hành các bãi chôn lấp chủ yếu được giao cho các đơn vị sự nghiệp, công ích. Lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định (chôn lấp hợp vệ sinh) khoảng 507 tấn/ngày, chỉ đạt 49,22%.
Vì vậy, nếu không có các biện pháp hiệu quả, dự báo đến năm 2030, lượng chất thải rắn sinh hoạt có thể đạt mức 1.500 tấn/ngày, tăng cao so với hiện tại.
Đứng trước tình hình này, nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh, ngày 4/12/2023, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 76/2023/QĐ-UBND Quy định về Quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2023.
Quyết định chỉ rõ phạm vi và đối tượng áp dụng quy định là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có phát sinh chất thải hoặc có liên quan đến hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, bùn thải từ bể tự hoại, hầm cầu, chất thải rắn công nghiệp phải kiểm soát và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, Quyết định quy định cụ thể về việc quản lý chất thải, như quy định về hoạt động vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian; quy định về phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại phải xử lý thì phải có thiết bị định vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; chất thải nguy hại khi vận chuyển phải được lưu chứa và vận chuyển bằng thiết bị, phương tiện chuyển động phù hợp đến cơ sở xử lý chất thải…
Quyết định cũng nói rõ, Sở TN&MT sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo quy định.
Ngay sau đó, Sở TN&MT đã có văn bản về việc triển khai thực hiện Quyết định về Quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở đề nghị các cá nhân, tổ chức có liên quan phối hợp phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở TN&MT, Quyết định về Quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh được ban hành và triển khai thực hiện sẽ góp phần đồng bộ, hệ thống hóa các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động quản lý chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đồng thời cũng giúp các chủ nguồn thải, chủ đầu tư, chủ thu gom, vận chuyển và chủ xử lý chất thải nắm bắt đầy đủ, kịp thời pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Bình Định.