Theo báo cáo kiểm tra giám sát của tỉnh Bình Định về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 trong năm 2023 cho thấy, toàn tỉnh Bình Định có 109 xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Trong đó, có 85 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 77,98%; có 17 xã đạt chuẩn NTM được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 20%; riêng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu hiện vẫn chưa có; có 5 đơn vị cấp huyện gồm thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát, được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn vàhoàn thành nhiệm vụ NTM, đạt tỷ lệ 45,45%; số xã đạt dưới 15 tiêu chí là 21 xã.

W-IMG_5160 used bình định.jpg
Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh Bình Định có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ NTM. 

Tỉnh Bình Định cho biết, năm 2024, Chương trình MTQG xây dựng NTM tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Theo đó, các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, củng cố và nâng cao chất lượng các xã đã được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 3 xã đạt chuẩn NTM mới năm 2023; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã Phước Quang đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 90 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 79,6%); trong đó có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt tỷ lệ 22,2%); 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 1,1%); có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ NTM (đạt tỷ lệ 45,5%). Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ để đề xuất huyện Tây Sơn và Phù Mỹ đạt chuẩn NTM năm 2023. 

Theo tỉnh Bình Định, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã có sức ảnh hưởng lớn và tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh khu vực nông thôn, giúp rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Đồng thời, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã hình thành được kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản bảo đảm, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuất; kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề. 

Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng NTM. Nhất là đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyển đổi cơ cấu, ứng dụng công nghệ cao đã phát triển mạnh mẽ, cùng với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để nâng cao hiệu quả nhóm sản phẩm đặc sản của địa phương, đã và đang mang lại thu nhập cao cho người dân nông thôn; số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. 

Chương trình MTQG xây dựng NTM góp phần giúp hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 

Theo đánh giá của tỉnh Bình Định, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được triển khai thực hiện tại các địa phương của tỉnh đã đi vào chiều sâu và mang tính bền vững; trọng tâm là xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; các công trình xây dựng NTM đã được các địa phương lựa chọn mang tính hiệu quả, thiết thực, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cư dân nông thôn, như: đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, điện chiếu sáng nông thôn, nước sạch, môi trường nông thôn, trường học… đã góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại. 

Đồng thời, người dân được hưởng lợi từ các chính sách của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình MTQG xây dựng NTM, trong đó trọng tâm là đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung ưu tiên phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được quan tâm gắn với thực hiện Chương trình OCOP.