Nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân đối với môi trường biển và giảm thiểu các hành vi vi phạm về khai thác hải sản không đúng quy định pháp luật, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) như quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực thủy sản đối với 46 trường hợp với số tiền 709,5 triệu đồng.
Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn Sổ tay pháp luật về xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; in, cấp phát cho lực lượng Biên phòng tỉnh và Chi cục Thủy sản hàng nghìn cuốn để phát trực tiếp cho chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân tại các cảng cá và Trạm kiểm soát biên phòng.
Đồng thời, Chi cục Thủy sản biên soạn và in tờ rơi tuyên truyền về xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; quy định các mức xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực thủy sản để phát cho ngư dân…
Để tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống khai thác IUU, từ nay đến cuối năm, các địa phương và cơ quan chức năng trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức và đối tượng tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của người dân; kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.
Cụ thể, tiếp tục rà soát, kiểm tra chặt chẽ đối với các tàu cá “3 không”, đưa vào danh sách xả bản đối với các tàu cá không đăng ký; tạm thời thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản và tạm dừng việc cấp giấy phép đối với các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Đối với Ban Quản lý các cảng cá trên địa bàn, cần tăng cường bố lực lượng để kiểm tra, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ từ tàu khai thác theo quy định; đồng thời thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác đảm bảo theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU, đặc biệt xử lý 100% các trường hợp mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 6 giờ trong quá trình hoạt động trên biển do nguyên nhân chủ quan.
Việc ngăn chặn hành vi khai thác IUU, tiến tới gỡ "thẻ vàng" của EC là yêu cầu cấp thiết, giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho ngư dân, vừa đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…