Thông tin được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định Lê Hoàng Nghi cho biết tại phiên họp giải trình, chất vấn (lần thứ 8) do HĐND tỉnh Bình Định khoá XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức chiều 13/9.
Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định đã báo cáo tóm tắt giải trình kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2021 đến nay.
Theo ông Nghi cho biết, giai đoạn năm 2021-2025, tổng vốn ngân sách Trung ương của 3 CTMTQG đã giao cho tỉnh Bình Định là hơn 1,2 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương đối ứng là 250 tỷ đồng; riêng vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đối ứng được giao theo từng năm.
Đến nay, tỉnh Bình Định đã hoàn thành giải ngân 100% vốn CTMTQG xây dựng nông thôn mới năm 2021. Tuy nhiên, vốn năm 2022 vẫn còn kéo dài đến năm 2023.
Riêng vốn năm 2023 về CTMTQG xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ 10,8%; CTMTQG giảm nghèo bền vững đạt tỷ lệ 2%; CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt tỷ lệ 12,9%.
Ông Nghi cho biết, các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Định đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm, sinh kế, gia tăng thu nhập cho người dân. Cơ sở hạ tầng như đường giao thông liên xã, giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa....được hỗ trợ xây dựng;
Các chỉ tiêu về xã hội như tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, số điểm du lịch, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao...không ngừng được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện nhiều so với trước đây, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều đổi mới theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, việc thực hiện CTMTQG đã cải thiện đáng kể phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện đời sống nhân dân ở những vùng khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay 3 CTMTQG thực hiện còn nhiều vấn đề tồn tại. Trong đó, hiệu quả hoạt động bộ máy thực hiện chương trình này chưa cao; việc triển khai ở cơ sở còn lúng túng, đặc biệt là cấp xã; cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, dẫn đến việc triển khai nhiều vướng mắc…
“Chúng ta phải làm cho rõ, đánh giá, kiểm tra, thanh tra, xử lý trách nhiệm, không để chậm trễ. Kiện toàn lại Ban chỉ đạo, đối với cấp huyện đề nghị Chủ tịch UBND huyện trực tiếp làm trưởng ban tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình này.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để xử lý những vướng mắc ở cơ sở. Kiểm tra, giám sát phải thực chất, hiệu quả, chủ động rà soát, kiến nghị những bất cập, vướng mắc, phải có người đủ thẩm quyền để làm việc này” – Bí thư Bình Định chỉ đạo.
Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa
UBND tỉnh có Quyết định số 3385/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 20/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, kế hoạch hướng đến mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực trên toàn tỉnh, có tính liên kết với cả vùng, khu vực và cả nước…
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 55%, đến năm 2030 đạt trên 60%. Số lượng đô thị đến năm 2025 có khoảng 22 đô thị (1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 18 đô thị loại V); đến năm 2030 có khoảng 21 đô thị (1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV, 16 đô thị loại V).
Đến năm 2025, tất cả đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là y tế, GD&ĐT và văn hóa… Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GRDP của tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 75% và đến năm 2030 đạt khoảng 85%.
Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh thuộc nhóm cao của khu vực miền Trung. Hình thành chuỗi đô thị phía Nam trở thành vùng đô thị động lực của vùng kinh tế duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hài hòa các tiêu chí về đô thị hiện đại, thông minh, mang nét đặc thù riêng của vùng đô thị ven biển….
Diễm Phúc - N.Hiền