Nhằm đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hưởng ứng Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, thời gian qua, các sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ thông tin. Qua đó, giúp người dân tiếp cận, tìm hiểu các tài liệu, chính sách pháp luật nhanh chóng và chính xác hơn.
Ngày 27/7/2023, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Bình Dương ban hành Công văn số 1397/HĐ-TTK về việc phát động và tuyên truyền Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trên Internet” của tỉnh Bình Dương năm 2023. Thời gian tổ chức cuộc thi (gồm 2 vòng sơ khảo và chung khảo) từ ngày 1/8 đến 15/9.
Việc tổ chức cuộc thi bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, chất lượng, tiết kiệm, thu hút sự tham gia tích cực, đông đảo công dân sinh sống, lao động và học tập trên địa bàn tỉnh. Đối tượng dự thi là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân từ 16 tuổi trở lên.
Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trên Internet” nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường khả năng nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp cận pháp luật của người dân.
Thông qua cuộc thi cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; phát huy tinh thần chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, chấp hành và bảo vệ pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật.
So với các cuộc thi truyền thống, kinh phí tốn kém, hiệu quả tuyên truyền còn hạn chế thì hình thức thi pháp luật trực tuyến tốn ít kinh phí nhưng hiệu quả mang lại cao hơn nhiều lần, nhiều đối tượng có thể tiếp cận. Chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối mạng Internet là có thể tham gia cuộc thi bất cứ thời điểm nào, ở đâu, không hạn chế về địa điểm, ảnh hưởng thời gian, công việc… Đặc biệt tiết kiệm thời gian tham gia, chỉ mất chưa đến 20 phút là có thể hoàn thành bài dự thi, không tốn thời gian chuẩn bị, chi phí để nghiên cứu, tìm hiểu…
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử; đẩy mạnh đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm trong công tác phòng chống tham nhũng; đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện cung cấp thông tin cho công dân cũng như khả năng tiếp cận pháp luật của nhân dân, năm nay Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Bình Dương lựa chọn một số nội dung trọng tâm. Do đó, những nội dung thi lần này mang tính thời sự, thiết thực, như: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Phòng chống lãng phí, Luật An ninh mạng, cải cách hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành…
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, UBND thị xã Bến Cát là một trong các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngay từ đầu năm, UBND thị xã đã chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, song song với các hình thức phù hợp khác. Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thị xã đã tích cực triển khai nhiều cách thức tuyên truyền thực tế, áp dụng hình ảnh trực quan, ứng dụng công nghệ thông tin như: Tuyên truyền trên nhóm Zalo, Facebook, xây dựng các clip, file ghi âm phát thanh trong các doanh nghiệp; in và cấp phát tờ gấp; trang bị bảng tuyên truyền pháp luật tại khu, ấp...
Tương tự, xã Hưng Hoà, huyện Bàu Bàng là địa phương có nhiều đổi mới trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh. Bên cạnh các hội nghị tập huấn, tuyên truyền trực tiếp, xã Hưng Hòa khuyến khích các đơn vị trên địa bàn, thôn, xóm sử dụng mạng xã hội để tìm hiểu pháp luật và các chính sách pháp luật của nhà nước, từ Luật An toàn giao thông, Luật Dân sự, Luật đất đai, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Phòng, chống ma túy, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 3, Luật Bình đẳng giới, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến đối với các hồ sơ thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở… để từ đó sử dụng trong đời sống.
Các tổ nhóm chuyển đổi số cộng đồng cũng thường xuyên hỗ trợ người dân cài đặt các app, gửi link phổ biến, tuyên truyền pháp luật qua Zalo, Faceboook. Các tuyên truyền viên pháp luật định kỳ tuyên truyền trực tiếp trên các nhóm mạng xã hội nhằm giúp cho mọi người dân trong xã hiểu biết về pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình, từ đó có ý thức tự giác sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.