Thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo 

Ngày 25/10, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương đã có báo cáo tham luận tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, xác định tầm quan trọng của công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, do đó cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh đã tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019.

Theo đó, công tác xã hội hóa giáo dục của tỉnh được duy trì và phát huy kết quả. Tỉnh thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân cho phát triển giáo dục và đào tạo. 

Kết quả, địa phương đã thu hút đáng kể nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường học ngoài công lập phát triển tốt, theo hướng bền vững. 

Theo đó, năm 2013 toàn tỉnh có khoảng 8.545 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 6.653 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 77,86%.

Đến năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 11.812 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 11.002 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 93,14%.

Giai đoạn 2013 - 2023, số trường được đầu tư từ nguồn xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương là 371 trường với 3.980 phòng học. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học tăng thêm từ nguồn huy động xã hội hóa là 24%.  Bên cạnh đó, số phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hóa là 18 phòng, tỷ lệ kiên cố hóa nhà công vụ cho giáo viên tăng từ nguồn huy động xã hội hóa là 2%. 

Tổng số dự án huy động xã hội hóa được cấp phép hoạt động giai đoạn 2013 - 2023 là 353 dự án với tổng kinh phí đầu tư của các dự án: 2.423 tỷ đồng. Diện tích đất đã sử dụng để đầu tư các cở sở giáo dục từ nguồn xã hội hóa: 567.699 m2. 

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã huy động được 200 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa cho giáo dục với 2.523 phòng học, 38 nhà công vụ cho giáo viên, với tổng kinh phí 681 tỷ đồng.

Kinh nghiệm “mời gọi” xã hội hóa

Cũng theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, quá trình kiên cố hóa đã đạt được những kết quả rõ rệt, trong đó việc mời gọi xã hội hóa là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển bền vững hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh. 

Tuy nhiên, với nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của ngành giáo dục ngày càng tăng cao, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa trong những năm tiếp theo là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cơ sở vật chất ngành giáo dục tiếp tục được cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. 

Với kinh nghiệm của địa phương, đại diện Sở GD&ĐT cho rằng trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp.

Truong hoc.jpg
Bình Dương làm tốt công tác xã hội hóa cho giáo dục. Ảnh: Ngọc Á

Trong đó có việc tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ kết nối, mời gọi nguồn lực xã hội hóa đến chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và sử dụng, quản lý nguồn vốn xã hội hóa bảo đảm minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhà trường. Chính quyền địa phương cần làm việc chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, cung cấp cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích họ đầu tư vào giáo dục.

Địa phương cũng cần cụ thể hóa và minh bạch các chính sách ưu đãi để tạo động lực cho các nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, đồng thời hỗ trợ các trường học trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực xã hội hóa. Doanh nghiệp có thể cung cấp không chỉ về tài chính mà còn về kinh nghiệm quản lý và phát triển cơ sở vật chất. 

Mỗi địa phương và cơ sở giáo dục cần thể hiện rõ tính chủ động trong việc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. 

Lãnh đạo các trường học cần kết nối với các nhà đầu tư, đồng thời phải có kế hoạch sử dụng nguồn lực một cách hợp lý và minh bạch, thể hiện vai trò là nơi trực tiếp quản lý và sử dụng nguồn lực để mang lại hiệu quả cao nhất trong việc cải thiện cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy.

“Nên khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần phải thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả”, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương chia sẻ. 

Đình Sơn