Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh thừa ủy quyền của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Bình Dương chủ trì hội nghị cho biết, thời gian qua tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả tốt trong phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trước tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến mới, phức tạp, đặc biệt, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh mặc dù được giữ vững ổn định nhưng cũng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tình hình liên quan đến doanh nghiệp, công nhân, tình hình khiếu kiện liên quan đến các dự án bất động sản, tình hình an ninh mạng, tình hình tội phạm về trật tự xã hội…, Ban Chỉ đạo công tác nhân quyền tỉnh đã làm tốt vai trò tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp nhằm ổn định tình hình, quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Việc thực hiện chính sách đối với người có công, mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các thương binh, liệt sỹ và nhóm người dễ bị tổn thương, yếu thế, với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau. Là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh, hiện nay Bình Dương là một trong những tỉnh top đầu trong xây dựng, phát triển các khu công nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng/người/năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng 5.97%. Việc phát triển nhanh các khu, cụm công nghiệp, tỉnh Bình Dương đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt và từng bước được nâng cao, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót, nhất là công tác tuyên truyền về thành tựu nhân quyền đã được quan tâm đẩy mạnh song chưa mang tính chiều sâu; công tác phối hợp giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo và giữa Ban Chỉ đạo với các sở, ban ngành không là thành viên và các địa phương còn chưa thường xuyên, gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện công tác nhân quyền trên địa bàn.

Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực về Nhân quyền khẳng định nhân quyền là công tác chung của cả hệ thống chính trị, gắn liền với cấp cơ sở do đó cần sự chung tay, phối hợp của các sở, ban, ngành trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người.

Do vậy, đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh thời gian tới cần chủ động trong công tác tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai các chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông đối nội và đối ngoại, phủ xanh thông tin tích cực về thành tựu bảo đảm quyền con người…; tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời âm mưu, ý đồ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, bảo đảm quyền của người dân, kịp thời giải quyết các kiến nghị của công nhân, người lao động, không để các thế lực thù địch kích động gây rối, phá hoại khối đại đoàn kết, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.