Từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành, việc xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần bảo vệ quyền con người và bảo vệ nạn nhân.

Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ IX thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Đặc biệt, việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người còn có ý nghĩa chính trị cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

W-minhhoa-1.png
Từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành, việc xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần bảo vệ quyền con người và bảo vệ nạn nhân.

Quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người được tiến hành đồng bộ với nội dung và hình thức đa dạng phù hợp với các đối tượng tuyên truyền; công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được triển khai đồng bộ, quyết liệt; công tác phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều đường dây mua bán người đã được triệt phá; công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân được thực hiện nhanh chóng hơn, bảo đảm quyền của nạn nhân;…

Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người của Bộ Công an, từ năm 2012 đến tháng 02/2023, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân mua bán người. Hầu hết các nạn nhân được giải cứu, qua trao trả hoặc tự trở về đều được các địa phương hỗ trợ phù hợp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, sau hơn 10 năm triển khai thi hành, một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tiễn, bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong công tác chỉ đạo điều hành; trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; trong công tác phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; công tác tiếp nhận, xác minh, nguồn lực bảo đảm; 

Hiện, Bộ Công an đang dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật dự kiến gồm 8 chương, 62 điều (tăng 04 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 35 điều, xây dựng mới 05 điều, bỏ 01 điều).

Đơn cử, Luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về tiêu chí xác định nạn nhân bị mua bán, chưa có các quy định cụ thể về tiêu chí giấy tờ, tài liệu và tiêu chí thực tế để xác định một người bị mua bán.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một số rào cản trong xác minh, xác định nạn nhân, như: nạn nhân mất giấy tờ tùy thân, học vấn thấp, là người dân tộc thiểu số, không biết tiếng Kinh, bị mua bán từ nhỏ nên không nhớ địa chỉ, người thân…, nạn nhân từ chối hỗ trợ do không muốn nói ra câu chuyện của mình vì sợ bị kỳ thị.

Các tiêu chí để xác định một người là nạn nhân khó thực hiện, đặc biệt trong trường hợp họ tự nguyện, hoặc thời điểm bị mua bán đã lâu (khó xác định họ được chuyển giao, bóc lột thế nào); Các chế độ, thù lao cho người phiên dịch đối với những vụ án có nạn nhân là người nước ngoài, dân tộc thiểu số, bị thiểu năng chưa có quy định gây khó khăn cho quá trình tiếp nhận, hỗ trợ, kể cả việc giải quyết tin báo tố giác, giải cứu, điều tra… Ngoài ra, không có quy định, định mức trong trường hợp đặc biệt, khẩn cấp cần phải hỗ trợ, bảo vệ cho nạn nhân là phụ nữ, trẻ em gái, trẻ sơ sinh khi được giải cứu.

Do đó, rất cần bổ sung quy định về tiêu chí xác minh, xác định nạn nhân mua bán người theo hướng không gây tổn hại cho nạn nhân, không làm trầm trọng thêm những tổn thương mà nạn nhân đã trải qua trong quá trình bị mua bán. Đặc biệt, những quy định này cần theo hướng phân loại để có những chính sách, chế độ hỗ trợ đầy đủ, kịp thời dựa trên đặc điểm cụ thể của từng nạn nhân, bảo đảm quyền con người của từng nhóm đối tượng có tính đến đặc thù giới, ví dụ nhóm yếu thế, phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ…

Thêm một ví dụ khác, Luật hiện hành đã có một số quy định về việc bảo vệ trẻ em nhưng thường được tiếp cận theo hướng trẻ em là nạn nhân mua bán người (Điều 11, Điều 24, Điều 26, Điều 44), còn trẻ em có mẹ là nạn nhân của tội phạm mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục thì chưa có quy định rõ ràng. Rất nhiều trường hợp phụ nữ là nạn nhân mua bán người sinh con ở nước ngoài nhưng khi được giải cứu trở về thì không thể đem theo con.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong quá trình vận hành Nhà Bình yên và Văn phòng Dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương (Văn phòng OSSO) đã tiếp nhận và hỗ trợ một số ca điển hình. Văn phòng OSSO Hải Dương đã từng tiếp nhận trường hợp chị H. bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 1991 và phải sống cùng một người đàn ông Trung Quốc. Quá trình chung sống, chị sinh được 3 người con. Cuộc sống của chị thường xuyên bị đánh đập, lao động nặng. Năm 2017, chị về Việt Nam nhưng không thể đưa các con về cùng.

Nhà Bình yên thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng tư vấn và hỗ trợ cho chị C. là bệnh nhân tâm thần phân liệt, bị lừa lấy chồng Trung Quốc. Từ khi sang Trung Quốc, chị bị cắt đứt liên lạc với gia đình. Ở Trung Quốc khoảng hơn 1 năm, sau khi sinh con, chị bị chồng bắt mất con và bỏ rơi ở bệnh viện, ở cùng một nhóm người và phải làm phụ bếp không lương, nếu không nghe lời thì bị chửi mắng, đánh đập. Khi Công an Trung Quốc phát hiện không có giấy tờ tùy thân, bị trục xuất về Việt Nam. Sau khi nhận được sự hỗ trợ của Nhà Bình yên, chị C. hiện đã trở về sinh sống cùng mẹ đẻ tuy nhiên không có thông tin của con.

Chính vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định quyền liên quan đến trẻ em được sinh ra trong quá trình mẹ bị mua bán sang nước ngoài.

Tuấn Kiệt và nhóm PV, BTV