Dù ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 3,15% trong cơ cấu kinh tế nhưng thời gian qua, Bình Dương luôn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp và gặt hái được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Giai đoạn 2017 - 2020, Bình Dương đã thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao.
Đến nay, tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt toàn tỉnh đạt khoảng 5.763,5 ha, diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172,2 ha với các loại cây trồng có giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh...
Toàn tỉnh hiện có 04 khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại phường Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên) và Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo).
Theo Sở NN&PTNT Bình Dương, tính đến hết năm 2021, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao ở những loại cây trồng chủ lực của tỉnh là gần 56%; ở chăn nuôi là hơn 63%.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại, tiên tiến, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm hình thành những chủ trương, giải pháp cụ thể để phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Với việc ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của công nghệ, khoa học hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đến nay, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển ổn định, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Bình Dương nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Bằng việc tích cực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển đồng bộ nông nghiệp - nông dân và nông thôn; đặc biệt, với việc phát huy lợi thế của mô hình hợp tác 03 nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã dần định hình và phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn.
Thực hiện nhiều giải pháp phát triển
Đến năm 2025, Bình Dương đặt mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%, diện tích đất trồng nông sản đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) chiếm 20%; số trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận thực hành sản xuất chăn nuôi tốt (GAHP) chiếm 30%.
Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Dương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, sản xuất tập trung. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân, tạo ra đội ngũ nông dân và doanh nhân chuyên nghiệp có trình độ, kỹ năng.
Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng chuyển giao và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả đến người sản xuất, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn...
Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết, thời gian tới, để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao, ngoài hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi 3,2%/năm, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ hợp tác xã để có đầu ra cho sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đánh giá, việc phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao đang góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đây là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ, linh hoạt giữa ngành khoa học và ngành nông nghiệp. Các cơ quan hữu quan của tỉnh cũng sẽ tích cực đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, tạo tiền đề cho việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tại Bình Dương.
Hải Yến