​​UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của HĐND tỉnh về Kế hoạch Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Bình Dương.

{keywords}
Bình Dương phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ ASEAN-4

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; trách nhiệm nghề nghiệp; khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.

Phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 35%, hằng năm giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 35.000 lao động.

Đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Dương tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Phát triển, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo bảo đảm đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, có kỹ năng công nghệ đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,5%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ là 37,5%, hằng năm giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 40.000 lao động.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án mạng lưới đào tạo nghề theo hướng mở và linh hoạt, phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN của Trung ương và quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh; rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN, định hướng các ngành nghề đào tạo cho từng trường, trên cơ sở thế mạnh của nhà trường nhằm đảm bảo việc đầu tư đúng trọng điểm, tránh việc đầu tư dàn trải, trùng lắp; phát huy hiệu quả của đầu tư và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. 

Cửu Long