Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, kế hoạch xác định tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Mục đích của Kế hoạch là cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, cụ thể trong việc thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh phù hợp với tỉnh Bình Dương.
Đồng thời, nâng cao nhận thức và hành động của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao công tác nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần giảm phát thải khí nhà kính; cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân...
Tỉnh Bình Dương cũng đặt mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế qua việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ; ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
UBND tỉnh Bình Dương đề ra các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 2023-2030 với 18 chủ đề như: xây dựng và hoàn thiện thế chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nuóc gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh; phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh; huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; đẩy mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; hội nhập và hợp tác quốc tế kết nối các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài...
Về phát triển công nghiệp, kế hoạch này cũng định hướng từng bước hạn chế các ngành phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; tạo điều kiện cho các ngành sản xuất xanh phát triển; xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái, làng nghề bền vững; ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xây dựng vận hành các khu cụm công nghiệp.
Trong xây dựng, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu; phát triển vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường...