Mới đây, tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm tỉnh, Sở Công Thương Bình Dương và Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) Tacoma phối hợp tổ chức Hội nghị Giao thương xúc tiến thương mại Hoa Kỳ ngành logistics năm 2022.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói chung (chiếm đến 28,6% kim ngạch cả nước) và tỉnh Bình Dương nói riêng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương. Lũy kế 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 27 tỷ 059 triệu USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 19 tỷ 210 triệu USD, giảm 1,6%; duy trì thặng dư thương mại đạt 7,8 tỷ USD.

Có thể nói, trong những năm qua, Bình Dương đã tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại. Đồng thời, với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại, dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp và đô thị.

Với lợi thế là tỉnh công nghiệp phát triển và là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bình Dương là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, khai thác dịch vụ logistics với hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp.

Do đó, Bình Dương xác định tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao. Xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại phục vụ cho hoạt động sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa là yêu cầu tất yếu cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Từ nay đến 2030, Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động.

Chủ tịch Hội Xuất, nhập khẩu Bình Dương Phạm Văn Xô cho hay, mặc dù bối cảnh nền kinh tế trong nước đang chịu tác động tiêu cực bởi tình hình chính trị, kinh tế của toàn cầu, riêng tỉnh Bình Dương đã xây dựng tầm nhìn chiến lược thông qua các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thực tiễn, chiều sâu; ý thức tạo lòng tin và thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh chuyển biến tích cực.

Theo đó, nhiều khu công nghiệp được mở ra với tỷ lệ phủ kín đến trên 90% diện tích thực tế. Bên cạnh đó là xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của nhiều thương hiệu quốc tế đã đầu tư tại Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á mà Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế.

Được biết, từ nay đến 2030, Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, tăng cường thu hút đầu tư để phát triển nhanh hệ thống hạ tầng dịch vụ logistics nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao về sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa là yêu cầu cấp bách cho sự phát triển kinh tế bền vững của Bình Dương trong thời gian tới.

Tỉnh Bình Dương đang quyết tâm phấn đấu trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực.

Hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phân phối đến các tỉnh/thành phố trong khu vực, xuất khẩu ra nước ngoài. Hình thành một số trung tâm logistics có quy mô cấp khu vực trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong tương lai, để duy trì một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và bền vững, chính quyền tỉnh Bình Dương đang tích cực tạo điều kiện và cùng các đối tác nghiên cứu, phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường… thông qua tận dụng hệ thống giao thông đường thủy với các cảng sông và đường sắt nhằm tăng cường kết nối liên vùng, tối ưu hóa năng lực hạ tầng, rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí logistics của doanh nghiệp. Từ đó, làm cầu nối để các công ty địa phương liên doanh, liên kết với các công ty nước ngoài nhằm kết nối với hệ thống logistics toàn cầu.​

Hải Minh