- Tôi đang rất bức xúc về chuyện một người hay vào facebook của tôi để bình luận bậy bạ. Tôi đã có nhắc nhở rồi nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy. Tôi thấy việc này rất ảnh hưởng tới tôi. Nếu anh ta vẫn tiếp tục thì tôi phải làm sao. Pháp luật có trừng trị những kẻ như thế này không? Nếu có thì tôi phải tố cáo ở đâu? Cơ quan nào tiếp nhận tố cáo.
Bạn không nêu rõ sự “bình luận bậy bạ” cụ thể thế nào, tạm xem đó là lời lẽ tục tĩu, khinh miệt, coi thường thậm chí là nhục mạ, vu khống xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác. Đây là hành vi trái pháp luật, tùy vào mức độ của những lời bậy bạ kia mà pháp luật có sự điều chỉnh, xử lý với chế tài tương ứng bằng hành chính, dân sự hoặc hình sự cụ thể như sau :
Ảnh minh họa. |
Thứ nhất, nếu đó là sự xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân thì đã liên quan đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong những quyền nhân thân của cá nhân quy định tại Ðiều 37 Bộ luật Dân sự theo đó: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Khi có cơ sở xác định rằng quyền này bị xâm phạm và gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Pháp luật cũng đã có quy định những hành vi bị cấm trong việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng trong đó có việc lợi dụng việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Cụ thể được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Điều 5. Các hành vi bị cấm
1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
[…]
Nghị định 72/2013/NĐ-CP cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam trong đó có điều khoản quy định người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin du mình lưu trữ, cung cấp và truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập
Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội
Ngoài quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet quy định tại Điều 10 Nghị định này, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội còn có quyền và nghĩa vụ sau đây:
[…]
4. Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Như vậy một người khi đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự và uy tín của cá nhân thì sẽ phải tự chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung đó.
Nếu một người thường xuyên vào facebook của bạn bình luận bậy bạ và bạn có căn cứ chứng minh rằng người đó đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn thì bạn có quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mình. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì chế tài xử phạt cũng có sự khác nhau.
Pháp luật có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Mức xử phạt tối đa đến 300.000 đồng. Cụ thể điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị đinh 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… quy định:
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
[…]
Với hành vi trên bạn có thể trình báo lên cơ quan công an xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn xử lý. Những hình ảnh và bằng chứng mà bạn thu thập được sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan công an sẽ tiếp nhận và giải quyết cho bạn.
Thứ 2, nếu hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự. Nếu nhận thấy hành vi bình luận bậy bạ đó xúc phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của bạn bạn có thể tố cáo người đó tới cơ quan công an cấp Quận, Huyện nơi người đó cư trú về hành vi làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự.
Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
[…]
Tư vấn bởi LS.Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Phương Luật, ĐLS TP.HCM
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc