DN và thị trường lao động đã phục hồi và phát triển
Bình Phước hiện có 11/15 khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đã thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; trong đó có 10 KCN đã thu hút 173 doanh nghiệp (DN) hoạt động và vận hành thử (171 DN hoạt động, 2 DN đã hoàn thiện vận hành thử), thu hút hơn 73.000 lao động Việt Nam và 1.304 lao động nước ngoài. Tại KKT cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, các DN chủ yếu là thu mua nông sản, lao động tự do theo mùa vụ, hiện nay đang mùa thu mua nông sản nên số lao động khoảng 500 người.
Được biết, ngoài xây dựng các khu công nghiệp tập trung, Bình Phước cũng đang quy hoạch phát triển 35 cụm công nghiệp tại 11 huyện, thị xã đến năm 2030 với tổng nhu cầu vốn là 5.900 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp ra đời nhằm kêu gọi thu hút các ngành nghề như sản xuất chế biến nông lâm sản; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất kim loại và sản phẩm làm từ kim loại đúc; sản xuất sản phẩm điện tử, động cơ máy móc; dệt, may mặc và các sản phẩm có liên quan. Dự kiến, các cụm công nghiệp đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động trực tiếp.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2020 - 2025 sẽ có 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích 583ha. Giai đoạn đến năm 2030, bổ sung thêm 14 cụm công nghiệp. Dự kiến các cụm công nghiệp có quy mô ở mức trung bình khoảng 33 ha/cụm. Trên cơ sở phân tích kỹ từng phân kỳ, phân đoạn đầu tư phát triển, những điểm mạnh, yếu và tiềm năng của từng cụm công nghiệp ở từng địa phương, Bình Phước quyết định huyện Bù Đăng được dự kiến xây dựng số cụm công nghiệp nhiều nhất là 7 cụm với tổng diện tích hơn 225 ha, và địa bàn ít nhất là huyện Chơn Thành 1 cụm, diện tích 10ha.
Thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu phù hợp. Tỉnh cũng kịp thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; đào tạo, tư vấn nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh phù hợp và tăng cường liên kết doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, đặc biệt doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt. Địa phương cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, công nghệ vào sản xuất. Bình Phước đã thành lập tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đồng thời tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm kết nối vùng với các địa phương vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tính đến ngày 3-4, sau thời gian chuyển sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP các địa phương, DN trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nên đến nay các DN cũng như thị trường lao động đã phục hồi và phát triển mạnh. Tới nay, 100% DN đã làm việc trở lại thu hút gần 70.000 lao động, đạt 96% so với trước khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 và đạt 117% so với trước khi nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Riêng huyện Chơn Thành đã thu hút hơn 36 ngàn lao động, tăng 34% so với thời kỳ cao điểm dịch.
Nhằm đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, Ban quản lý KKT tỉnh đã có văn bản yêu cầu DN triển khai đến người lao động khi quay trở lại làm việc thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế; đảm bảo 100% người lao động thực hiện khai báo y tế trước khi vào DN trong ngày trở lại làm việc đầu tiên. Đối với trường hợp khai báo y tế bằng tờ khai y tế, DN lưu lại để phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có yêu cầu từ cơ quan y tế.
Theo đó, các DN đều triển khai biện pháp phòng, chống dịch nghiêm túc. Lũy kế, từ sau tết Nguyên đán 2022 đến ngày 3-4, có 158 ca nhiễm Covid-19 trong các KCN, KKT, trong đó có 2 chuyên gia nước ngoài từ Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh làm việc tại Công ty TNHH Hayat Kimya Việt Nam.
Công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng được các đơn vị phối hợp thực hiện đầy đủ, đồng bộ. Đến ngày 3-4, khoảng 68.000 người lao động làm việc trong các KCN, KKT, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được tiêm vắc xin liều nhắc lại (mũi 3), đạt 97%. Ban quản lý KKT tỉnh đã phân công công chức và các văn phòng đại diện tại KCN, KKT thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch, tình hình hoạt động sản xuất của DN; đồng thời phối hợp chính quyền địa phương kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch tại các DN trong KCN, KKT.
Phòng chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội
Trước đó, hồi tháng 3, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Công văn 410/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Công điện 235/CĐ-BYT ngày 21/02/2022 của Bộ Y tế về tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng chống dịch COVID-19. Thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Quyết định 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế và Kế hoạch 42/KH-UBND ngày 20/02/2022 của UBND tỉnh. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị...), hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến xe... Xử lý nghiêm các vi phạm về phòng chống dịch Covid-19.
Cùng với đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong. Thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến. Cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ..., đặc biệt là oxy y tế tại các cơ sở điều trị. Nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong trường học.
Mặt khác, Sở Y tế căn cứ các quy định liên quan, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh các chính sách, chế độ và các hình thức động viên, khen thưởng đối với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 “thần tốc hơn nữa”; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi, tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.
Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, tiếp xúc với người xung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch. Tuyên truyền người dân, các cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp... thực hiện thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác...) thì báo ngay cơ quan y tế để được hỗ trợ, tư vấn, theo dõi và xử trí kịp thời.
UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai mạnh mẽ, toàn diện Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng chống dịch COVID-19, tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, xét nghiệm phát hiện người mắc COVID-19 theo quy định, chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID-19, hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội. Tiếp tục, chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý, điều trị F0 không triệu chứng, mức độ nhẹ tại nhà.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong trường học. Căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến địa bàn cấp xã) để duy trì các phương án tổ chức dạy, học; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, đúng quy định, tránh xử lý cực đoan; bảo đảm an toàn phòng chống dịch, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường an toàn.
Phước Long