Thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm trung bình cả nước có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Đây là con số đáng báo động. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở trẻ em bên cạnh tai nạn giao thông, hóc dị vật, điện giật, ngã, bỏng… So với các nước phát triển, trẻ em Việt Nam tử vong gấp 10 lần các nước phát triển.

Dù vậy, trong 10 năm qua, tỉ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam đã giảm đáng kể. Năm 2010, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3.300 trẻ, đến năm 2020 giảm còn 2.085 em.

Những tai nạn này có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ. Vậy nên việc hướng dẫn trẻ cách giải quyết vấn đề, giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân trước những bất trắc trong cuộc sống là hành trang thiết yếu để dù bất kỳ thời điểm nào trẻ cũng được an toàn.

W-tre-em-vnn.png
Trẻ em được hướng dẫn cách tự bảo vệ bản thân khỏi tai nạn, thương tích để dù bất kỳ thời điểm nào cũng được an toàn. 

Trước tình hình đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian qua diễn biến phức tạp, trong hơn 8 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ đuối nước, làm 13 trẻ em tử vong, đặc biệt vụ trẻ em đuối nước tại công trình giao thông đang thi công ở thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp.

Để kịp thời phòng, chống tai nạn thương tích, tử vong trẻ em do đuối nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Phước đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh trong công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

Mới đây, Viện Khoa học an toàn Việt Nam đã tổ chức chương trình phòng, chống tai nạn thương tích do thiết kế để trang bị cho các em học sinh THCS ở Bình Phước. Chương trình được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để các em có thể tự bảo vệ chính mình, bạn bè và người thân, qua đó, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh và hạnh phúc hơn.

Trong chương trình, huấn luyện viên đưa các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống để giáo dục học sinh thêm nhiều kiến thức, kỹ năng xử lý, như có một đám cháy xảy ra, còi báo động vang lên, điện bị cúp… nhóm học sinh buộc phải tự tìm cách để thoát ra khỏi hiện trường an toàn.

Để các em có thể nhanh chóng nắm bắt quy trình và thực hành tốt, ngoài xây dựng hiện trường sát với thực tế, các huấn luyện viên còn tích cực tạo ra hiệu ứng như thật và hướng dẫn các em những kỹ năng thoát hiểm an toàn.

Các huấn luyện viên cố gắng mô phỏng hiện trường gần với thực tế nhất, kích thích tư duy, giúp các em nhận biết được những tình huống nguy hiểm và hướng dẫn cách xử lý. Điều này giúp trẻ khi được trải nghiệm thực tế sẽ tạo những phản xạ và không bị động khi bất ngờ có sự cố xảy ra.

Tham gia chương trình, học sinh không chỉ được trang bị kiến thức để có thể tự cứu mình trong những tình huống bất trắc, được chỉ dẫn cách thoát khỏi đám cháy an toàn, đúng cách mà còn được học được học thêm kỹ năng sơ, cấp cứu để có thể hỗ trợ, giúp đỡ bạn bè, người thân, người bị nạn trên đường hoặc trong những tình huống khẩn cấp, hoặc cách gọi người đến hỗ trợ nếu gặp trường hợp đuối nước, điện giật...

Đặc biệt, trẻ còn được giáo dục về cách phòng chống đuối nước, cách tự nổi trên mặt nước khi không may rơi vào vùng nước sâu, tăng khả năng thoát khỏi nguy hiểm. Huấn luyện viên còn dạy học sinh cách giữ tâm lý bình tĩnh khi ở trong nước. 

Dịp hè, nguy cơ tai nạn thương tích xảy ra với trẻ tăng cao, ngoài tập huấn cho phụ huynh trong trường, nhiều trường học, tổ chức tại Bình Phước tiếp tục tổ chức tập huấn cho các em học sinh để hạn chế thấp nhất thương tích và đem lại môi trường sống an toàn hơn cho trẻ.

Thu Hằng và nhóm PV, BTV