Nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của người dân, tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh nhiều giải pháp.

Tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật trên các lĩnh vực quản lý, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

tiep-can-pl-1.jpg
Nhiều mô hình, cách làm hay về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai hiệu quả.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức dưới nhiều hình thức, phương pháp phong phú đa dạng. Nhiều mô hình, cách làm hay về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các sở, ban, ngành, địa phương triển khai hiệu quả.

Cụ thể như thông qua các hình thức biên soạn tài liệu, tổ chức hội nghị, tập huấn; phổ biến, giáo dục pháp luật qua các phiên tòa xét xử lưu động; phiên tòa giả định, thông qua cuộc họp cơ quan, tổ chức họp dân tại thôn, khu phố; qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; thông qua hoạt động hoà giải; qua hoạt động của câu lạc bộ pháp luật; thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở.

Hình thức tuyên truyền nâng cao kỹ năng tiếp cận pháp luật được lựa chọn phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền đã được chú trọng và khẳng định hiệu quả.  

Cụ thể: Tuyên truyền bằng trực quan sinh động thông qua các màn hình led, bảng điện tử tại các điểm công cộng; tuyên truyền trên trang fanfage Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước; tuyên truyền qua việc cấp phát các tờ rơi, tờ gấp, treo băng rôn, khẩu hiệu; các nhóm mạng xã hội như Zalo, Facebook… của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội rất hiệu quả, tiếp cận nhanh và nhiều các đối tượng tuyên truyền lại tiết kiệm chi phí.

Qua đó, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị về vai trò, tầm quan trọng của công tác tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật được nâng lên. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân có bước chuyển biến tích cực, góp phần vào đảm bảo quyền con người, quyền công dân. 

Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở đã phổ biến pháp luật trực tiếp đến tận người dân. Hiện toàn tỉnh đã thành lập được 843 tổ hòa giải ở cơ sở, với 5.071 hòa giải viên. Trong năm 2022, tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 1.344 vụ việc, trong đó đã hòa giải thành công 804 vụ việc.

Đến nay toàn tỉnh có 108/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. 

Bình Minh và nhóm PV, BTV