Cửa ngõ kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nguyên

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Tuy diện tích chỉ chiếm 9,2% và dân số bằng 21% của cả nước, nhưng GRDP vùng chiếm hơn 45% và đóng góp trên 42% tổng thu ngân sách cả nước. 

Hiện nay, tỉnh Bình Phước 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó, có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động.

Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Bình Phước mở rộng 3 khu công nghiệp. Dự kiến đến năm 2030, Bình Phước sẽ tiếp tục quy hoạch mới và mở rộng một số khu công nghiệp với diện tích khoảng 9.300 ha.
Bên cạnh, Bình Phước có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, giáp với Vương quốc Campuchia, giao thông thuận lợi kết nối với Lào và Thái Lan với tổng diện tích trên 28.300 ha; trong đó, trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay khi các hoạt động kinh tế vùng Tp. Hồ Chí Minh đang được lan tỏa và mở rộng, cơ hội bắt đầu lan đến các địa phương có kết nối xa hơn.

Tuyến đường ĐT 753 kết nối được tỉnh Bình Phước đầu tư đến đoạn cầu Mã Đà.

Bình Phước nằm trên hành lang Đông – Tây và giáp ranh với các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh. Không chỉ nằm trên trục kết nối vùng Tây Bắc ASEAN- nơi tiềm năng phát triển rất lớn, Bình Phước còn là cửa ngõ kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nguyên.

Bởi vậy, tại hội thảo “Bình Phước 25 năm hành trình khát vọng vươn lên”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Bình Phước đang chuyển từ “dự trữ phát triển” sang giai đoạn “động lực phát triển”.

Liên kết vùng để "cất cánh"

Các chuyên gia kinh tế nhận định, để Bình Phước có thể “cất cánh”, liên kết vùng chính là phương án tạo sự cộng hưởng cho phát triển của toàn vùng. Liên kết để phát triển trục kết nối giao thông Bình Phước – Bình Dương – Tp. Hồ Chí Minh đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải; trục Đắc Nông – Bình Phước – Bình Dương – Đồng Nai – Tp. Hồ Chí Minh; tuyến Bà Rịa – Vũng Tàu – Tp. Hồ Chí Minh – Bình Phước – Campuchia – Thái Lan – Myanmar…

Tin vui, tại công văn số 658/TTg – CN vừa được Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Giao thông - Vận tải, UBND các tỉnh: Bình Phước và Đắk Nông.

Tại công văn này, Văn phòng Chính phủ cho biết là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đồng ý giao UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP như đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh Bình Phước - Đắk Nông.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng chiều dài khoảng 140 km; đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông (38 km từ Gia Nghĩa đến ranh giới 2 tỉnh Đắk Nông - Bình Phước), tỉnh Bình Phước (102 km từ ranh giới 2 tỉnh Đắk Nông - Bình Phước đến Chơn Thành).

Tuyến có điểm đầu tại khu vực TP. Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông, điểm cuối tại thị xã Chơn Thành tỉnh Bình Phước, kết nối với điểm đầu của cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh) và điểm cuối của cao tốc TP. HCM - Chơn Thành.

Tuyến đường này có quy mô quy hoạch 6 làn xe nhưng theo sơ bộ tính toán trường hợp phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe bề rộng 17 m (tương tự quy mô phân kỳ của Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, 2021 - 2025 và một số dự án đường cao tốc khác đang triển khai), vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) khi đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực để Đắk Nông và Bình Phước phát triển nhanh, bền vững.

Phước Long