Thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025 và kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2025, tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, việc phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới sẽ được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số. Theo đó, 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông; 50% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 15 về Hành chính công; 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện chương trình được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
Về phát triển kinh tế số nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, Bình Phước phấn đấu ít nhất 70% số xã có hợp tác xã, 70% đơn vị cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Đối với xã hội số, có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu về y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa… và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến. Phấn đấu triển khai xây dựng có ít nhất 1 thôn/xã thông minh tại mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, để làm cơ sở tổng kết và nhân ra diện rộng.
Với mục tiêu trên, thời gian qua, Bình Phước đã chỉ đạo thực hiện với quyết tâm đột phá về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh và nền kinh tế số góp phần phát triển kinh tế - xã hội và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Với quyết tâm đột phá về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, hướng tới xây dựng đô thị thông minh và nền kinh tế số góp phần phát triển kinh tế - xã hội và năng lực cạnh tranh của tỉnh, thời gian qua, Bình Phước đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, sau thời gian triển khai thực hiện, đối với việc xây dựng chính quyền số, Bình Phước đã hoàn thành 3/3 nội dung đề ra như: Triển khai trục kết nối dữ liệu liên thông; triển khai Cổng dịch vụ công tỉnh tích hợp và đồng bộ dữ liệu lên Cổng dịch vụ công quốc gia; phát hành văn bản điện tử có ký số cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện đạt 90%, cấp xã đạt 85%. Trên 90% cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố được đào tạo, tập huấn về kỹ năng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Về mục tiêu phát triển xã hội số, Bình Phước đã hoàn thành 4/4 nội dung đề ra như: Mọi người dân và doanh nghiệp đều có định danh điện tử VNeID, kho dữ liệu điện tử khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; các điểm công cộng, đường giao thông, tuyến biên giới, từng khu phố, khu dân cư đều lắp camera giám sát an ninh, trật tự công cộng.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập 111 tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai Đề án 06 cấp xã với 1.680 thành viên, 843 tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai Đề án 06 tại thôn/ấp/khu phố với 5.963 thành viên cùng tham gia công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và Đề án 06.
Một trong những hoạt động được tỉnh triển khai mạnh mẽ nhất đó là cao điểm 90 ngày, đêm triển khai mục tiêu "4 phủ". Tháng 4/2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đợt cao điểm 90 ngày, đêm triển khai mục tiêu "4 phủ" trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đợt cao điểm là một cuộc tổng rà soát các điều kiện cần thiết để phát triển công dân số, hình thành kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính quyền số tại địa phương. Sau thời triển khai đến nay, mục tiêu “4 phủ” đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Cụ thể, về cấp căn cước công dân (CCCD), lực lượng công an toàn tỉnh đã tổ chức rà soát 100% đối tượng đủ điều kiện cấp CCCD; tổ chức rà soát 100% công dân chưa kích hoạt tài khoản định danh điện tử, qua đó đã tổ chức hướng dẫn kích hoạt tài khoản; toàn tỉnh đã trang bị điện thoại thông minh 4G đạt 101,7%. Bên cạnh đó, việc sử dụng sim chính chủ kèm chữ ký số đạt 67,2%.
Hiện nay, Bình Phước tiếp tục phát huy hiệu quả của tổ công nghệ số cộng đồng, qua đó lan tỏa kỹ năng, kiến thức cho người dân, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống như: Thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, học trực tuyến, giải trí trực tuyến lành mạnh…
Bình Phước xác định, việc thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cũng là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia; từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 3/11 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 73/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 21/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, vì vậy, thời gian tới, Bình Phước sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo chuẩn nông thôn mới nâng cao, đặc biệt là bước vào giai đoạn “số hóa” để hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.