Tỉnh Bình Phước có đường biên giới với Campuchia dài 260 km trên địa bàn ba huyện gồm Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh. Toàn tỉnh có 15 xã biên giới, 9 xã và 55 thôn đặc biệt khó khăn, chủ yếu tại các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh và Bù Đăng; với dân số khoảng 1 triệu người; trong đó, gần 20% là đồng bào DTTS thuộc 41 thành phần dân tộc sống đan xen tại 11 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Những năm qua, việc triển khai thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS đã phát huy hiệu quả, giúp đồng bào các DTTS phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tính đến cuối năm 2023, số hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh giảm còn 574 hộ, chiếm 51,2% hộ nghèo toàn tỉnh; 100% hệ thống giao thông được nhựa hóa đến trung tâm xã, các thôn đều có điện lưới quốc gia; thôn, ấp đặc biệt khó khăn có nhà văn hóa, sân thể thao; các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng; chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế… được quan tâm thực hiện. Vì thế, nhiều xã đặc biệt khó khăn và xã có thôn, ấp đặc biệt khó khăn ở Bình Phước đã nỗ lực “cán đích” nông thôn mới.
Mặc dù nhiều xã đã về đích nông thôn mới, tuy nhiên, để duy trì các tiêu chí và giữ vững nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn và xã có thôn, ấp đặc biệt khó khăn nhằm nâng chất tiêu chí và tạo “cú huých” phát triển hơn nữa là vấn đề không đơn giản vì chịu sự tác động từ nhiều yếu tố.
Thực hiện chính sách dân tộc, những năm qua huyện Bù Gia Mập đã tập trung nguồn lực để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư đã góp phần xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, các địa phương trên địa bàn huyện.
Trong giai đoạn 2020-2023, huyện đã giảm được 2.513 hộ nghèo, với tổng kinh phí thực hiện các chương trình hơn 279,697 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 3.507 lượt hộ dân thuộc xã đặc biệt khó khăn đã về đích nông thôn mới vay vốn ưu đãi gần 110 tỷ đồng…
Nhiều công trình giao thông trong vùng đồng bào DTTS được ưu tiên đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi buôn bán kinh doanh. Công tác khám, chữa bệnh vùng đồng bào DTTS được đảm bảo; việc tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe trẻ em được triển khai đầy đủ. Hộ nghèo và cận nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế… Qua đó, nâng cao đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của người dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.
Sau 13 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Bù Gia Mập có 5/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, hiện nay, huyện có 4 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 3 xã đã về đích nông thôn mới.
Mặc dù đã cán đích nông thôn mới nhưng để các thôn đặc biệt khó khăn bứt phá đi lên, nhất là đầu tư hoàn thiện các công trình, hạng mục còn lại, thì vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đắk Ơ là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Bù Gia Mập, xã có khoảng 40% người DTTS sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thời gian qua, để xây dựng nông thôn mới, ngoài sự chung tay của người dân, xã còn có được sự quan tâm đầu tư nguồn lực lớn từ các cấp nên đến nay, xã đã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.
Tuy nhiên, với một xã nghèo, đông hộ DTTS sinh sống như Đắk Ơ, ngoài được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì quyền lợi thụ hưởng các chính sách của người dân rất lớn nên cần được ưu tiên đặc thù.
Tại huyện Bù Gia Mập, ngoài xã Đắk Ơ hiện nay đang chờ thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới 2023 thì xã Phú Văn hiện cũng được đầu tư xây dựng, phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2024, còn xã Bù Gia Mập sẽ đầu tư trong năm 2025.
Cả 3 xã trên đều là xã nghèo khu vực III và là những xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, DTTS cao nên áp lực, thách thức trong việc triển khai xây dựng và cán đích nông thôn mới là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để các xã duy trì những thành quả đã đạt được, từ đó nâng cao chất lượng, tiếp tục xây dưng nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu cũng là điều không dễ dàng.
Chính vì vậy, bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách đối với xã, thôn đặc biệt khó khăn đã về đích nông thôn mới, như việc hỗ trợ an sinh, vay vốn, đào tạo nghề và nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng…., thì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức cũng như tập quán canh tác sản xuất, sinh hoạt để phù hợp với tiêu chí nông thôn mới.
Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nhất là phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025.
Đặc biệt là cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, cụ thể hoá các cơ chế, chính sách hỗ tợ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; chỉ đạo các địa phương chủ động cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của chương trình theo hướng dẫn để chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.