Cho vay đúng đối tượng, nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, người dân quyết tâm vươn lên thoát nghèo, là những yếu tố quyết định hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách tại một huyện biên giới vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước.

Ông Nguyễn Thanh Thỏa, Trưởng thôn Bình Giai, xã Phước Minh, cho biết Bình Giai là thôn đặc biệt khó khăn, 85% dân số trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn thôn có 390 hộ thì 310 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách được vay nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Nhờ nguồn vốn này, người dân trong thôn đã đầu tư sản xuất, chủ yếu là mua nông cụ, nuôi bò, dê sinh sản và đầu tư phân bón, đường ống nước để phát triển nông nghiệp. Nhờ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đến nay tỷ lệ hộ thoát nghèo giảm rõ rệt. Nếu như 3 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của thôn là trên 60% thì nay đã giảm xuống còn hơn 30%.

{keywords}
Mô hình chăn nuôi dê xóa đói giảm nghèo của phụ nữ xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Ông Bùi Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh cho biết, thời gian qua nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách, người dân đã ý thức và quyết tâm đầu tư sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, trong những năm gần đây, trên địa bàn xã Phước Minh không còn hộ tái nghèo.

Xã Phước Minh hiện có gần 2.300 hộ dân, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%. Nếu như năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 14,9%, thì đến năm 2020 xã phấn đấu giảm hộ nghèo xuống còn 7,9%. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, ba năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã giảm một nửa so với trước đó. Cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện, con cái được đến trường, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.

Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bù Gia Mập, hiện nay đơn vị đang triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn như cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Hiện tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện là 243 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách cùng với các chương trình giảm nghèo khác trên địa bàn mà từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện biên giới Bù Gia Mập đã giảm từ 20% xuống còn 9,8%.

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội Bình Phước, giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 150.260 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền hơn 3.325 tỷ đồng, qua đó góp phần giúp gần 9.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 8.660 lao động; 7.952 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 120.350 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 542 căn nhà…

Hoài Thanh