Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, phong trào phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tại địa phương thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, và đạt được nhiều kết quả khả quan. 

Nhiều hợp tác xã đã chủ động liên kết, tham gia chuỗi giá trị, đem lại lợi ích thiết thực cho phát triển kinh tế hộ, dần khẳng định vị trí, vai trò đối với kinh tế hộ thành viên và kinh tế - xã hội tại địa phương.

Kinh tế tập thể đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 8.930 người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương.

anh tin 3.jpg
Kinh tế tập thể đã góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: B.M

Các hợp tác xã hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh tế, đời sống của các thành viên mà còn đề cao giá trị văn hoá, đạo đức, tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội, góp phần ổn định cuộc sống, giữ gìn an ninh trật tự.

Những mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả trong năm 2023 có thể kể tới gồm: Mô hình sản xuất điều của Hợp tác xã Đồng Xanh (xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng); Mô hình sản xuất sầu riêng của Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé (xã Phước Tín, thị xã Phước Long); Mô hình chăn nuôi dê của Hợp tác xã Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Bù Đốp); Mô hình trồng lúa của Hợp tác xã Sóc Nê (xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp); Mô hình trồng tiêu hữu cơ của Hợp tác xã Lộc Quang (xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh); Mô hình canh tác dưa lưới theo công nghệ cao của Hợp tác xã Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thành Phương (xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú); Mô hình trồng, chế biến sản phẩm mít ruột đỏ của Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Phước Thiện (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp)…

Nhìn chung, khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình hoạt động tiếp tục phát triển, các hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo chuỗi giá trị bền vững. Nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với sự phát triển của chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa rộng. Nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân về kinh tế tập thể, hợp tác xã chuyển biến tích cực.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể tại địa phương như: Một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đạt kế hoạch; Các hợp tác xã còn khó khăn trong tiếp cận các nguồn hỗ trợ; Nhiều hợp tác xã khả năng cạnh tranh thấp, thiếu tính bền vững, hoạt động không ổn định, hiệu quả thấp, lợi ích kinh tế mang lại cho các thành viên chưa nhiều…

Bình Minh