Năm nay, Ban Chỉ đạo tỉnh đã xác định, lựa chọn huyện Đồng Phú và thị xã Chơn Thành để triển khai thực hiện điểm về phòng, chống mua bán người.

Nnhững năm gần đây, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh, nhất là sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của người dân, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Chúng câu kết, hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài, bán vào các động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Tại thị xã Chơn Thành, công an đã phát hiện, khởi tố 2 vụ, 6 bị can liên quan đến các tội mua bán người, giải cứu 3 nạn nhân nữ (trong đó có 2 trẻ em).

Đồng Phú là huyện đang trên đà phát triển, lực lượng lao động nhiều, đồng bào dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí chưa đồng đều, là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ tội phạm mua bán người hoạt động.

Hội nghị triển khai kế hoạch chỉ đạo điểm về phòng, chống mua bán người tại Bình Phước, tháng 5/2023.

Theo thống kê tại tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến nay có 23 trường hợp người dân có dấu hiệu liên quan đến mua bán người, dưới hình thức bị dụ dỗ, lừa gạt sang Campuchia làm ở các cơ sở kinh doanh và bị cưỡng bức lao động.

Trước thực tế đó, tỉnh Bình Phước đã đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền về phòng chống mua bán người (qua hệ thống thông tin đại chúng, thông tin cơ sở, các trang mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng...). Trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, lực lượng Công an phối hợp với các ban ngành và địa phương đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền 236 đợt cho 12.700 lượt người dân, cán bộ chủ chốt cơ sở, cấp phát 98.070 tờ rơi phòng chống các loại tội phạm có lồng ghép các nội dung phòng, chống mua bán người, phối hợp với các đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố phát hơn 560 giờ về các phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người.

Trong Công văn số 13/BCĐ về việc đề nghị tăng cường đấu tranh phòng chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống mua bán người Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tỉnh Bình Phước đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, địa phương về phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người.

Xác định công tác phòng chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hoá thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng ban ngành, đoàn thể, địa phương.

Tập trung triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống mua bán người, Ngày toàn dân phòng chống mua bán người. Triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh, từ ngày 1/7 đến hết 30/9.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, trình độ văn hóa, nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm, có biện pháp thu hút, tạo việc làm cho người dân tại địa phương... nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Các ban ngành, đoàn thể tại địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người trên địa bàn.

Chủ động nhận diện, đánh giá tình hình tội phạm mua bán người tại địa phương; tích cực đấu tranh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Bố trí và huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng chống mua bán người, đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hoài Linh và nhóm PV, BTV