Theo kết quả công bố tại hội nghị Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 của Bình Phước đạt 84,46%, đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2021; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 76,05% và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 39,9/80 điểm, đều đứng thứ 56/63 tỉnh, thành phố.

Kết quả phân tích các chỉ số cho thấy, công tác cải cách hành chính nhà nước được các cấp, ngành, huyện, thị xã, thành phố quan tâm triển khai thực hiện.

Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành để triển khai thực hiện cải cách hành chính toàn diện trên cả 6 lĩnh vực, gồm: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Người dân, các tổ chức đã cảm nhận được sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong công cuộc cải cách hành chính thông qua việc tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn, được phục vụ tốt hơn trong quá trình giải quyết công việc, nhận được kết quả dịch vụ công có chất lượng cao hơn.

Ảnh minh họa

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại, hạn chế trên một số lĩnh vực trong công tác cải cách hành chính; sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh chưa cao.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, các chỉ số chỉ mang tính chất tương đối. Quan trọng là các cơ quan, đơn vị, địa phương phải hết sức nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục và vận hành bộ máy thông suốt; chấn chỉnh những khuyết điểm, rút kinh nghiệm kịp thời, đồng thời nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền.

Bà Trần Tuệ Hiền đề nghị Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu các nội dung tại hội nghị để tham mưu UBND tỉnh trong nâng cao chất lượng cải cách hành chính cũng như cải thiện các chỉ số trong thời gian tới.

Phước Long