Bình Phước trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp Bình Dương, Đồng Nai - các tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh. 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, có 19/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt tiến độ kế hoạch đề ra; chỉ có 3 chỉ tiêu đạt thấp, gồm: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.
Để đạt được những kết quả này là nhờ ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8-1-2022 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 9-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 7-12-2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế của cả nước.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước cho hay, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước 12.618 tỷ đồng, đạt 34,8% so kế hoạch, tăng 13% so cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tốt về đầu tư, tái đầu tư cấp vốn cho phục hồi và phát triển nền kinh tế. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực.
Phước Long