Chìa khóa để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội

Xác định xây dựng chính quyền số, kinh tế số là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, tỉnh ủy Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn, trong đó các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng, hoàn thiện nền tảng dữ liệu số.

Các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp đều diễn ra trên không gian mạng; quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn các giao dịch trên không gian mạng.

Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Bình Phước diễn ra hồi tháng 4/2022

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, số lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 tăng cao với 1645 dịch vụ chiếm 87,55% trên tổng số 1879 DVCTT. Theo đó, cơ bản các thủ tục hành chính (TTHC) của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố được đưa lên Cổng Dịch vụ công để xử lý, giải quyết. Hệ thống phần mềm ứng dụng đã giúp các cơ quan nhà nước phối hợp giải quyết TTHC trên môi trường mạng xuyên suốt, liên thông; các phần mềm chuyên ngành được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh đã vận hành ổn định và hoạt động có hiệu quả, đặc biệt đưa vào hoạt động Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Bình Phước góp phần kịp thời tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh của người dân. Tỉnh cũng đã đưa vào vận hành và khai thác có hiệu quả trung tâm điều hành thông minh cấp huyện tại TP. Đồng Xoài, TX. Phước Long và TX. Bình Long, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của địa phương.

Tại trang thông tin chuyển đổi số (cds.binhphuoc.gov.vn) luôn cập nhật các thông tin về biểu đồ xếp hạng chuyển đổi số của các cơ quan, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh; tin tức tổng hợp về chuyển đổi số của tỉnh; thư viện đa phương tiện liên quan chuyển đổi số.

Từ đây người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể truy cập tìm hiểu thông tin về chuyển đổi số của tỉnh; tìm kiếm các giải pháp, ứng dụng, hệ thống dịch vụ công đã và đang được cung cấp trên nền tảng số phục vụ nhu cầu công việc và cuộc sống. Các cá nhân, tổ chức cũng có thể thực hiện gửi ý kiến trên trang thông tin chuyển đổi số để góp ý, hiến kế cho chương trình chuyển đổi số của tỉnh.

Hiện tỉnh vẫn duy trì vị trí đứng đầu cả nước ở hai khía cạnh là thanh toán nghĩa vụ đất đai trực tuyến và chứng thực điện tử, đồng thời xếp thứ 25/63 tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện

Bình Phước tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Định hướng đến năm 2025, tỉnh cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. 

Tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 218 doanh nghiệp, hợp tác xã bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với 466 sản phẩm; 5 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã được tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện;160 doanh nghiệp đang dùng nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất; ngành thuế tỉnh đã và đang chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh. 

Trước mắt, tỉnh chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa.

Tại tỉnh Bình Phước, Tổng cục Thuế đã mở cổng "Hệ thống hoá đơn điện tử" tại địa chỉ: https://hoadondientu.gdt.gov.vn, cho phép người nộp thuế gửi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo định dạng mới (Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC) bằng phương thức điện tử.

Theo Quyết định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Phước chuyển đổi số năm 2021 - 2022, chậm nhất đến ngày 1/7/2022, tất cả các doanh nghiệp phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy. Nguồn kinh phí sẽ do các doanh nghiệp công nghệ như VNPT, MISA, BKAV… hỗ trợ, bao gồm miễn phí 1 năm sử dụng gói hóa đơn điện tử cao cấp, tặng miễn phí 10.000 hóa đơn, hỗ trợ đào tạo sử dụng hóa đơn điện tử 1 năm.

Trước đó, Cục Thuế Bình Phước đã phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử tổ chức hội nghị tập huấn áp dụng hoá đơn điện tử bằng hình thức trực tuyến qua Zoom cho người nộp thuế. Các nhà cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử đã hướng dẫn chi tiết, cặn kẽ việc thực hiện và triển khai các gói hỗ trợ đến người nộp thuế.

Ngoài ứng dụng hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp ở Bình Phước cũng đang ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch, hoạt động hàng ngày. Đa phần doanh nghiệp đều có tối thiểu một chữ ký số để thực hiện các giao dịch điện tử.

Sử dụng chữ ký số được xem là một biện pháp mang lại nhiều lợi ích, thủ tục nhanh gọn, thay thế chữ ký tay trong tất cả trường hợp giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, phát hành hóa đơn điện tử, nộp báo cáo thuế qua mạng hay ký số các văn bản, đóng bảo hiểm xã hội, ký kết hợp đồng…

Để giúp doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ chữ ký số từ xa, VNPT đã triển khai linh hoạt các gói chữ ký số từ xa với chi phí hợp lý, phù hợp nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. VNPT đang triển khai các gói ưu đãi cho khách hàng, bao gồm giảm giá từ 20 -30% dịch vụ chữ ký số từ xa, mỗi doanh nghiệp chỉ phải bỏ chi phí khoảng 300.000 đồng đã có thể hoàn thành đăng ký và sử dụng chữ ký số trong 1 năm.

Phước Long