Theo ước tính của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bình Thuận, trong dịp lễ 30/4-1/5, tỉnh đón khoảng 220.000 lượt khách tham quan, lưu trú; tăng khoảng 25% so với năm 2023, công suất phòng bình quân khoảng 75 - 95%, doanh thu ước khoảng 420 tỷ đồng.

Đặc biệt, lượng khách du lịch đến tỉnh tập trung rất đông từ ngày 27 - 30/4. Các khách sạn từ 1 - 2 sao và tương đương đạt công suất phòng khoảng 75 - 85%. Các resort 3 - 5 sao và tương đương công suất phòng đạt xấp xỉ 95 - 100%.

Được biết, các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật lực để phục vụ du khách; giá các loại dịch vụ, giá phòng tăng từ 20% - 50%, giá hải sản tăng theo thời vụ.

Trong và trước dịp lễ, Sở VHTTDL tăng cường thông tin các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gắn với giới thiệu các điểm đến du lịch trên các trang web, các báo, đài trung ương, địa phương.

B6_A1 Binh Thuan.jpg
Du lịch là một trong những thế mạnh của tỉnh Bình Định

Không để xảy ra tình trạng “chặt chém”, lừa gạt du khách

Trước dịp lễ, dự kiến lượng khách nội địa đến tỉnh tham quan du lịch, nghỉ dưỡng trong dịp lễ 30/4, 01/5 năm nay khá cao, Bình Thuận xác định cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình an ninh trật tự, an toàn du khách, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả, chất lượng dịch vụ… trong dịp lễ, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.

Do đó, giữa tháng 4, Sở VHTTDL tỉnh đã có văn bản đề nghị phòng các Ban quản lý khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung.

Đối với ban quản lý các khu, điểm du lịch: Nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách theo phương châm: chất lượng - an toàn - thân thiện; Phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai thực hiện việc chấp hành các tiêu chí an toàn tại các cơ sở lưu trú, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; tổ chức phân luồng giao thông, sắp xếp bãi đỗ xe tại các điểm tham quan đảm bảo trật tự;

Quản lý, kiểm soát tốt hoạt động bán hàng rong, trẻ em cho thuê tấm trượt cát,… không để xảy ra tình trạng “chặt chém”, lừa gạt du khách, chèo kéo, đeo bám, quấy nhiễu du khách, cò mồi gây rối trật tự; Thường xuyên tổ chức làm vệ sinh, thu gom rác thải đảm bảo cảnh quan môi trường ở các điểm du lịch dã ngoại, du lịch cộng đồng, trong và ngoài đơn vị đảm bảo sạch đẹp và văn minh.

Đối với các doanh nghiệp du lịch: Nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách theo phương châm: chất lượng - an toàn - thân thiện; Bố trí đủ nhân lực và các điều kiện cần thiết để phục vụ tốt du khách, quan tâm rà soát, kiểm tra nhắc nhở nhân viên phải phát huy tối đa cung cách phục vụ văn minh, lịch sự;

Xây dựng hình ảnh thân thiện, hiếu khách nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ, tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc làm ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp nói riêng và thương hiệu du lịch Bình Thuận nói chung trong quá trình phục vụ du khách;

Thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết; Có các biện pháp tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn cho du khách, phòng chống trộm cắp tài sản, phòng chống cháy nổ cho du khách khi lưu trú tại đơn vị;

Tăng cường công tác cứu hộ tại các bãi tắm ven biển, hồ bơi, trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, lắp đặt biển báo, cờ hiệu, phao tiêu và đảm bảo luôn có nhân viên trực cứu hộ; Rà soát phương tiện kỹ thuật, quy trình hoạt động các loại hình dịch vụ du lịch mạo hiểm (nếu có); Thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm;

Thực hiện đúng quy định về việc kinh doanh hoạt động du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe khách du lịch (nếu có) theo quy định tại điều 8, điều 9, điều 10 Nghị định 168-2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch.

Ngoài ra, khi có sự cố, tai nạn rủi ro và các vấn đề liên quan đến du khách, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch phải thông báo ngay đến cơ quan có chức năng để kịp thời phối hợp xử lý tốt mọi tình huống.