Bitcoin được nhiều người theo chủ nghĩa tự do xem như một loại vàng kỹ thuật số. Với tổng cung có hạn (chỉ 21 triệu BTC), việc khai thác ngày càng khó khăn cộng với được nhiều người tin tưởng, chấp nhận, Bitcoin có những đặc điểm tương tự như vàng.
Tuy nhiên, khác với vàng, Bitcoin có thể được chứa trong các ví lạnh có kích cỡ chỉ bằng chiếc USB. Bitcoin cũng có thể được giao dịch xuyên quốc gia mà không chịu sự kiểm soát của các hệ thống tài chính. Đó cũng là lý do, nhiều người có xu hướng “ôm” Bitcoin như một hình thức bảo hiểm tài sản trong một thế giới ngày càng hỗn loạn và khó đoán.
Bitcoin thường được biết đến với kịch bản sử dụng của vàng kỹ thuật số. |
Thực tế cho thấy, những lo ngại về sự biến động của thế giới thời hậu Covid-19 là có cơ sở. Tại Mỹ, lạm phát đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ gần đây. Thước đo kỳ vọng biến động S&P 500 VIX - hay còn được biết đến như chỉ số sợ hãi của Phố Wall từ đầu năm đến nay cũng liên tục có sự biến động lớn.
Tại châu Âu, cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine khiến nền hòa bình và ổn định tại khu vực trong suốt nhiều năm qua bị thách thức. Những đòn trừng phạt kinh tế, bao vây cấm vận của phương tây đã tàn phá nền kinh tế Nga.
Sự mất giá của đồng Rúp khiến nhiều người Nga mất đi khoản tiết kiệm của mình. Trong khi đó, tại Ukraine, người dân đã phải bỏ lại nhà cửa, tài sản để đi lánh nạn chiến tranh. Việc rút tiền khỏi các ngân hàng hay mang qua biên giới cũng chẳng hề đơn giản.
Về mặt lý thuyết, những diễn biến kinh tế và địa chính trị như vậy được cho là rất có lợi đối với Bitcoin. Thế nhưng, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá của loại vàng kỹ thuật số này không hề có sự bùng nổ, trái ngược với dự đoán của các nhà phân tích Phố Wall.
Kể từ giữa tháng 2 đến nay, giá Bitcoin có chiều hướng đi ngang, dao động trong khoảng từ 36.000 USD - 44.000 USD. Ở thời điểm hiện tại, tính đến trưa 17/3, giá Bitcoin hiện giữ ở mức 41.000 USD.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine không tác động nhiều đến sự phổ biến của Bitcoin như các chuyên gia từng dự đoán. |
Sự phổ biến của các giao dịch tiền điện tử cũng không diễn ra theo cách mà nhiều người mong đợi. Khối lượng giao dịch Bitcoin đã tăng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, thế nhưng kể từ đó đến nay vẫn giữ ở mức tương đối ổn định. Điều này cho thấy người dân 2 quốc gia trên không vội vàng đổi đồng Rúp (Nga) và Hryvnia (Ukraine) sang vàng kỹ thuật số.
Các nhà tài phiệt Nga dường như cũng không sử dụng tiền mã hóa như một phương tiện để trốn tránh các lệnh trừng phạt, phong tỏa tài sản từ phương tây, bất chấp những dự đoán ban đầu.
Mặc dù vậy, trong cuộc xung đột này, chính phủ Ukraine đã cho thấy sự bắt nhịp rất nhanh của mình với trào lưu tiền mã hóa. Bằng chứng là nhờ những động thái tích cực của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine - ông Mykhailo Fedorov, nước này đã nhận được tới hàng chục triệu USD tiền ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới dưới dạng tiền mã hóa.
Có thể thấy, không phải Bitcoin nói riêng và các loại tiền mã hóa nói chung không có sức tác động lên cuộc xung đột Nga - Ukraine, tuy nhiên, loại vàng kỹ thuật số này không cho thấy sức ảnh hưởng nhiều như dự đoán.
Chính phủ Ukraine đã phát triển một website riêng để nhận ủng hộ bằng tiền mã hóa. Ảnh: Trọng Đạt |
Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là tiền mã hóa vẫn còn khó hiểu và khó tiếp cận đối với phần đông đại chúng, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh.
Bên cạnh đó, với những người hoài nghi về tiền mã hóa, Bitcoin nói riêng và các loại tài sản ảo nói chung vẫn còn quá dễ “bay hơi” để có thể trở thành một rào cản chống lại sự bất ổn kinh tế, chính trị.
Ngoài ra, những yếu tố được xem là tốt cho Bitcoin trong ngắn hạn như sự lạm phát và các cuộc xung đột chính trị có thể có hại cho Bitcoin về mặt lâu dài, bởi nó cũng đem tới sự chú ý từ phía các chính phủ.
Theo tỷ phú Sam Bankman-Fried - CEO sàn giao dịch tiền mã hóa FTX, những thông tin tiêu cực về tiền mã hóa của giới truyền thông cũng là một yếu tố tác động tới sức tăng trưởng của thị trường này.
Tuy vậy, việc chính phủ Ukraine được hưởng lợi lớn nhờ việc bắt nhịp rất nhanh với tiền mã hóa cũng đã làm nổi bật phần nào đó về tính hữu dụng của loại tài sản đặc biệt này. Đó là khả năng huy động và giải ngân nhanh của tiền mã hóa so với các dịch vụ tài chính truyền thống.
Nhờ vậy, hàng chục triệu USD đã được chuyển đến cho chính phủ Ukraine từ khắp nơi trên thế giới một cách dễ dàng. Trong tình huống các ngân hàng quốc gia không thể hoạt động bình thường, tiền mã hóa vẫn có thể được chuyển và nhận gần như ngay lập tức. Đây có thể xem như là lợi ích dễ nhận thấy nhất của Bitcoin nói chung và các loại tiền mã hóa nói riêng trong một thế giới đầy bất ổn hậu Covid-19.
Trọng Đạt
Mua 'nhà đất, chung cư' giá chỉ bằng bát phở
Nhiều mảnh đất ảo từng được rao bán thành công với giá trị hàng triệu USD. Một mảnh đất hay căn nhà thật giờ đây cũng có thể chia nhỏ và bán thành nhiều phần nhờ công nghệ ảo.