Chỉ sau hơn một năm khi được đầu tư 400 tỷ đồng cải tạo nâng cấp, Tràng Tiền Plaza một lần nữa bước vào quá trình tái cấu trúc vì buôn bán ngày càng vắng khách.

Đổi áo chưa đổi vận

Tọa lạc tại vị trí đắc địa, ngay giữa trung tâm của Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với ba phố lớn Tràng Tiền, Hàng Bài và Hai Bà Trưng và nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, Tràng Tiền Plaza là một trong những trung tâm thương mại được xếp hàng hàng đắt nhất Hà Nội. Phí thuê mặt bằng tại Tràng Tiền vào loại top đầu của trung tâm thương mại cao cấp trên thị trường. 

Người quyết định sống còn của Tràng Tiền do 2 ông chủ là Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC - chiếm 90% vốn) và Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro - chiếm 10% vốn).

Tràng Tiền Plaza tiền thân là Trung tâm Thương mại Godard do người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1958, Hà Nội đã quyết định sửa sang lại Godard, đồng thời hợp nhất 49 quầy hàng dưới hình thức công tư hợp doanh. Tháng 9/1959, Godard được đổi tên thành Bách hóa Tổng hợp hay còn gọi là Bách hóa Tràng Tiền. 

Tháng 4/1993, dự án phá dỡ Bách hóa Tràng Tiền để xây dựng lại một trung tâm thương mại mới đã được hình thành và triển khai thực hiện.  Tuy nhiên, phải đến năm 2002, Trung tâm thương mại Tràng Tiền – Tràng Tiền Plaza mới chính thức đi vào hoạt động sau khi được Tổng công ty Vinaconex xây dựng trên nền Bách hoá Tổng hợp cũ do Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tràng Tiền quản lý.

{keywords}
Tràng Tiền Plaza tiên tục thay đổi mô hình kinh doanh

Có vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội, song nơi đây được ví như cửa hàng bách hóa thời bao cấp hoặc những chợ bán lẻ bình dân. Sự thất bại của Tràng Tiền Plaza được tổng kết do vận hành, quản lý yếu kém của chủ đầu tư.

Sau hơn 10 năm khai thác và vận hành, một lần nữa Tràng Tiền Plaza lại phải đóng cửa cải tạo nâng cấp. Lần này, Tràng Tiền Plaza được chuyển giao vốn sở hữu qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Đầu mối này phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tiến hành tái cơ cấu.

Đối tác được chọn hợp tác với SCIC là DFS, một đại gia nổi tiếng với chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, DFS được biết đến với doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, bố chồng của kiều nữ Tăng Thanh Hà.

“Ước mơ của tôi mở Tràng Tiền là nơi để mọi người dân Hà Nội tới để giải trí và mua sắm”, Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ. Tập đoàn này đã đầu tư khoảng 400 tỷ đồng để nâng cấp, với mục đích biến Tràng Tiền Plaza từ một biểu trưng của thương mại Hà Nội thành một trung tâm mua sắm sang trọng ngang tầm với các trung tâm mua sắm lớn trong khu vực và thế giới.

Đầu tháng 4/2013, Tràng Tiền Plaza được mở cửa trở lại. Theo thông cáo, tổng mức đầu tư cho 112 gian hàng của Công ty IPP và các thương hiệu khác bao gồm: chi phí thiết kế trang thiết bị, hàng hoá,… lên đến trên 150 triệu USD. 

Canh bạc của 'ông vua hàng hiệu'

Sự trở lại của Tràng Tiền Plaza đầy hoành tráng với đặc điểm nổi bật dễ thấy ngay từ bên ngoài là những hoa văn trang trí cầu kỳ được tô điểm tại các ô cửa sổ và cửa chính vào trung tâm thương mại. Bên trong, là hàng loạt các gian hàng từ các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Kenzo, Christian Dior, Cartier, Rolex… Ở Tràng Tiền các túi xách từ 1.000 - 5.000 USD, thậm chí có cái lên đến 25.000 USD. 

Người mua thưa thớt cùng với hàng loạt chương trình giảm giá của các gian hàng, Tràng Tiền Plaza đã được không ít chuyên gia cho rằng kinh doanh ế ẩm khi định hướng nhắm tới phân khúc khách hàng là giới thượng lưu.

Ngay cả đợt giảm giá để tái cấu trúc mới đây cũng ghi nhận lượng khách hàng èo uột. Giảm giá mạnh để xả hàng nhưng các gian hàng tại trung tâm mua sắm xa xỉ giữa thủ đô vẫn không hút khách.

{keywords}
Kinh doanh bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn

Dù ở thời điểm sau 8 tháng đi vào hoạt động dù khách đìu hiu nhưng Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn khẳng định kết quả kinh doanh từ đầu tháng 4 đến tháng 12/2013, Tràng Tiền Plaza đã thu lãi về gấp 5 lần trước kia, song đến nay việc tái cấu trúc một lần nữa lại phải thực hiện.

Theo đơn vị quản lý, các gian hàng tại các tầng 3, 4, 6, và một phần của tầng 5 sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ ngày 4 tháng 8 và mở cửa hoạt động lại vào tháng 11 năm 2014. Trong thời gian này, các thương hiệu thời trang cao cấp tại tầng 1, 2 và một số gian hàng ăn uống tại tầng 5 vẫn hoạt động bình thường theo giờ đóng và mở cửa của TTTM Tràng Tiền. Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương chia sẻ, đợt tái cấu trúc Tràng Tiền Plaza để phù hợp với xu thế tiêu dùng năng động tại Việt Nam và việc kinh doanh tại đây vẫn tốt.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, TGĐ Công ty TNHH Đầu Tư Thương Mại Tràng Tiền, chia sẻ, Tràng Tiền Plaza sẽ có những điều chỉnh để phục vụ được nhiều phân khúc khách hàng trong nước và quốc tế. 

Điều này đồng nghĩa với việc, Tràng Tiền Plaza không chỉ dành cho giới thượng lưu. Và việc mở rộng đa dạng hóa dịch vụ, mở rộng đối tượng mua bán cũng chứng minh rằng, Tràng Tiền Plaza đang “khát” người mua.

Việc Tràng Tiền Plaza tái cấu trúc lại được cho là hợp với xu hướng thị trường khi mà nền kinh tế vẫn chưa phục hồi trong nay mai. Lần đóng cửa này chỉ ngắn ngủi trong vòng 4 tháng, nhưng những thiệt hại Tràng Tiền Plaza nhận về không ít, trong đó quan trọng nhất là niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng bị suy giảm.

Còn phía trước, các đối thủ cũng sẽ tiếp tục mở rộng sự thách thức. Lotte đang gấp rút hoàn thành để khai trương Lotte Center cao 65 tầng với 7 tầng thương mại, được đầu tư 400 triệu USD, nằm trên đường Liễu Giai, Hà Nội. Vingroup tiếp tục giữ vị trí hàng đầu về thị phần bán lẻ Hà Nội nhờ hai dự án Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City, với tổng diện tích 437.000m2. Ocean Group cũng cho thấy tham vọng mở rộng kinh doanh của mình vào lĩnh vực bán lẻ. 

D.Anh