Các doanh nghiệp cần bình đẳng trước pháp luật

Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian gần đây nổi lên hiện tượng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như: Temu, Shein, 1688… dù đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại “quên” đăng ký kinh doanh theo quy định. Thậm chí, nhiều sàn như Temu dù đã có website thương mại điện tử, ứng dụng ngôn ngữ tiếng Việt nhưng chưa đăng ký với Bộ Công Thương dù các sàn này đang quảng bá rầm rộ và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông.

Theo bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam đang là điểm đến của rất nhiều các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia khi thị trường kinh tế số Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng. Việc các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đều được chào đón và hoan nghênh nhưng để đảm bảo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh cũng như làm tròn nghĩa vụ thuế với Việt Nam thì các sàn này bắt buộc phải có đăng ký và được cấp phép/ cấp mã số thuế theo luật định.

Cũng theo bà Oanh, thời gian gần đây một số nền tảng thương mại điện tử đang làm mưa làm gió trên thị trường toàn cầu và Việt Nam cũng là điểm dừng chân của họ. Với các hoạt động marketing rầm rộ thu hút sự chú ý của người dùng với chính sách khuyến mại và thời gian vận chuyển nhanh và được đánh giá là những “đối thủ” nặng ký với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác, nhưng vì lí do nào đó các đơn vị này đang “quên”, thậm chí phớt lờ những lời cảnh báo của cơ quan quản lý nước sở tại.

Đơn cử nền tảng bán hàng giá rẻ Temu, dù đơn vị này được coi là hiện tượng toàn cầu nhưng vẫn chưa đăng ký hoạt động theo yêu cầu của Bộ Công Thương, chưa có quy định để bảo vệ người tiêu dùng, việc khuyến mại trên 50% không đúng quy định pháp luật Việt Nam, chưa tuân thủ quy định về thuế, cạnh tranh, bán hàng đa cấp. Cùng với Temu là những nền tảng khác như Shein, 1688… cũng có hành vi tương tự khiến thị trường thương mại điện tử có sự “xáo trộn” nhất định khi những đối thủ mới này chưa tuân thủ luật chơi.

z5974316690016_dfd9061ca1ce605adf8bb11348c34e0a=.jpg
Bộ Công Thương cho biết, sẽ chặn Temu nếu nền tảng này không đăng ký hoạt động.

“Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ động làm việc với đội ngũ Temu. Hiện nay họ đã có sự phối hợp, ủy quyền cho Công ty Luật để làm việc. Bộ Công Thương đã yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Nếu nền tảng này không phối hợp, không thực hiện việc đăng ký theo quy định thì sẽ trao đổi với Bộ Công an, Bộ TT&TT tiến hành các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn”, bà Oanh nói khi yêu cầu mọi doanh nghiệp đều phải bình đẳng trước pháp luật.

Người tiêu dùng cần phải là “quan tòa”

Đứng ở góc độ thị trường, nhà báo Bùi An – một KoL cho rằng, Temu đúng là một hiện tượng thú vị nhưng không hề mới. Với chiêu thức bán hàng giá rẻ - chiến lược kinh doanh vốn thành công ở trung Quốc – khi nền tảng này hỗ trợ được các doanh nghiệp giải phóng những kho hàng bị ế, bị tồn kho, thậm chí hàng fake tới tay người tiêu dùng với giả cả thấp. Dĩ nhiên tiền nào của ấy, hình thức kinh doanh này được một bộ phận khách hàng chấp nhận, bởi họ được dùng hàng giá rẻ đúng với khả năng tài chính của mình.

Quay lại góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Tân cho biết, Bộ này đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường, giám sát, xử lý các kho hàng tập kết trên biên giới để đảm bảo chất lượng hàng hóa của các nền tảng thương mại điện tử. Bộ Công Thương cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng Việt Nam cần thận trọng khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký. Bởi chất lượng sản phẩm khi mua sắm online chỉ được kiểm chứng xác thực tốt nhất thông qua tiêu dùng và khách hàng chính là “quan tòa” cho việc này.

Xét ở góc độ kỹ thuật, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng tại quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ hơn 1 triệu đồng; Sửa quy định về hải quan đối với hoạt động xuất, nhập khẩu qua thương mại điện tử như cơ chế phân loại rõ luồng nào là hàng hóa thông thương, luồng nào là hàng hóa thương mại điện tử. Đồng thời, đề xuất tăng cường giám sát việc hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo tới người tiêu dùng việc mua sắm trên các nền tảng chưa đăng ký và chưa được cơ quan nhà nước quản lý có thể dẫn đến những rủi ro.

Tuy nhiên, trong thực tế do được quảng bá rầm rộ nên nhiều người Việt cũng thử đặt mua hàng trên Temu và đang có những trải nghiệm bước đầu. Hiện chưa rõ bước đi tiếp theo của nền tảng này ra sao, nhưng nếu được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động thì thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ rất sôi động khi có thêm những đối thủ mới như Temu.