- Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) có đề xuất một số nội dung điều chỉnh về công tác nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo nhằm mục đích cởi trói những ràng buộc vướng mắc về pháp lý đã và đang hạn chế sự phát triển của khoa học công nghệ (KHCN) nói chung và hoạt động, hiệu quả trong công tác nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH nói riêng.
Linh hoạt tiêu chí quy đổi xóa nhòa ranh giới nghiên cứu viên – giảng viên
Luật Giáo dục Đại học hiện hành đã quy định cơ sở giảng dạy cũng chính là cơ sở nghiên cứu khoa học. Khi đưa điều khoản này vào Dự thảo, điều Bộ GD-ĐT mong muốn là sẽ xóa nhòa khoảng cách về nghiên cứu và giảng dạy giữa trường ĐH và viện nghiên cứu. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, các văn bản dưới Luật ban hành sau đó, cũng như quá trình thực thi Luật đã không thực hiện được điều này.
Theo quy định hiện hành, giảng viên – nghiên cứu viên muốn được công nhận chưc danh GS, PGS phải có đủ 270 giờ giảng bên cạnh các tiêu chí khác về bài báo quốc tế, hướng dẫn cơ sở, viết sách khác…
Về mặt pháp lý, đây là quy định chung mang tính chủ trương. Để thực sự đưa chính sách này vào cuộc sống, các văn bản dưới Luật ban hành sau này cần quy định cụ thể trong việc quy đổi giờ giảng thành điểm nghiên cứu hoặc điểm nghiên cứu sang giờ giảng để đủ điều kiện xét duyệt chức danh GS, PGS. Qua đó, chấm dứt tình trạng các nhà nghiên cứu trong các viện phải tìm đủ cách đủ giờ giảng để đủ điều kiện hồ sơ hiện nay.
Theo TS Phạm Hùng Hiệp (thành viên nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục đại học), việc quy đổi này tùy thuộc vào từng năng lực nghiên cứu/giảng dạy của cá nhân. Miễn là đảm bảo gắn kết năng lực giảng dạy và năng lực nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo. Ví dụ: Người nào nghiên cứu chưa xuất sắc thì phải dạy nhiều, ai nghiên cứu nhiều, có nhiều công trình bài báo quốc tế thì điều kiện về giờ giảng dạy cần ít đi.
Được biết, trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi mà Bộ GD-ĐT trình ra Quốc hội kỳ này đã quy định chức danh giảng viên là người thực hiện, tham gia công tác giảng dạy và các hoạt động khoa học trong cơ sở GDĐH . Điều này sẽ tạo điều kiện cho người có năng lực nghiên cứu tốt được tập trung nghiên cứu, và ngược lại, ai giảng dạy tốt sẽ có nhiều thời gian giảng dạy trên lớp. Vấn đề là tỷ lệ quy đổi như thế nào để đảm bảo giảng viên phải thực sự nghiên cứu khoa học.
Để xóa nhòa ranh giới giữa giảng viên-nghiên cứu viên, không nên khống chế 1 GS hướng dẫn bao nhiêu NCS, nếu ai có điều kiện năng lực hướng dẫn nhiều thì nên khuyến khích, quan trọng là phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Cũng nên cho phép quy đổi hướng dẫn nghiên cứu sinh thay cho đi dạy. Càng linh hoạt sẽ càng tạo điều kiện cho các trường tự chủ về nghiên cứu khoa học. Cần có nhiều hình thức quy đổi linh hoạt hơn để các trường tự chủ trong quản lý cán bộ và phát triển KHCN.
Cũng cần xem xét lại quy định giảng viên ĐH nghiên cứu phải là tiến sĩ. Hiện nay đang có đề xuất: Ở các cơ sở đào tạo nghiên cứu, nên cho phép nghiên cứu sinh cao học giảng dạy trình độ thạc sĩ. Tạo cơ hội cho nghiên cứu sinh được tham gia giảng dạy cũng là một cách gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nên có quỹ phát triển KHCN tương tự Nafosted?
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH cũng bổ sung quy định: Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ KHCN và các bộ ngành có liên quan khác quy định, hướng dẫn các cơ sở GDĐH thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ.
Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nói chung và nghiên cứu khoa học công nghệ trong các cơ sở đào tạo ĐH hiện đang bị vướng bởi sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ngành. Cụ thể là quy định quản lý của ngành dọc là Bộ KHCN (quản lý đề tài, dự án) và ngành khác là Bộ KH-ĐT (quản trí phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất) đang tạo nên thực trạng: có phòng thí nghiệm nhưng không có đề tài, một bên có đề tài nhưng không có phòng thí nghiệm. Điều này đang thực sự làm khó với người nghiên cứu khoa học nói chung và giảng viên nghiên cứu khoa học nói riêng.
Liên quan tới việc xử lý phòng thí nghiệm. Hiện nay cơ chế của Bộ KHCN, Bộ GD-ĐT và Bộ KH-ĐT về cơ sở vật chất và đơn vị nghiên cứu không ngồi cùng lại được với nhau. Nhiều phòng thí nghiệm rất tốt nhưng các nhà khoa học không có cơ hội được sử dụng để nghiên cứu. Thực tế đang có sự lệch pha giữa quản lý cơ sở vật chất phòng thí nghiệm và quản lý đề tài cũng như vênh trong tiêu chuẩn giữa nghiên cứu viên và giảng viên hai hệ thống nhà trường và viện nghiên cứu. Nếu Luật GDĐH sửa đổi giải quyết được những “vênh” này là rất tốt. Đây là cơ hội để pháp điển, gỡ nút thắt này.
Tuy nhiên, điều này cũng nằm ngoài thẩm quyền của Luật GDĐH, mà phải ở cấp cao hơn là Luật tổ chức Chính phủ, vì một số vướng-vênh này đang do chịu tác động từ luật khác.
Giải pháp cho sự vênh này, khi luật khác chưa điều chỉnh là cụ thể hóa thành 1 quỹ: định hướng đầu tư vào các ngành lĩnh vực cụ thể trong 5-10 năm.
Hiện nay, đầu tư cho NCKH trong các trường ĐH hiện nay vẫn là “bổ đầu”. Nếu có 1 quỹ chung của cả nước, dành riêng cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên nhất định. Ai muốn tham gia phải có hồ sơ đẹp và kết quả tốt. Quỹ này nên do hội đồng quỹ quản lý độc lập, trực thuộc Chính phủ, do các nhà khoa học điều hành chứ không do 1 đơn vị bộ ngành nào (chẳng hạn như quỹ Nafosead hiện nay). Quỹ hoạt động theo tiêu chí đã ban hành bởi các nhà khoa học chứ không phải bất cứ cơ quan quản lý hành chính nào.
Tuy nhiên đây vẫn chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế. Về lâu dài, cần thống nhất về các chính sách, cơ chế, hoạt động, tài chính, cơ sở vật chất trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ quốc gia.
“Cởi trói” về sở hữu trí tuệ, đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH quy định: Trường ĐH, Cơ sở Đào tạo được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, xây dựng cơ chế phân chia lợi ích hợp lý với tác giả và các bên liên quan phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ và Khoa học Công nghệ.
Tại sao phải có điều khoản này? Lý do là càng ngày càng có nhiều nghiên cứu trong trường ĐH gắn với thực tiễn và có khả năng “thương mại hóa” rất cao. Nhiều trường ĐH ở nước ngoài có mô hình gắn với vườn ươm khởi nghiệp để ứng dụng ngay các đề tài nghiên cứu. Đặc biệt, một số ngành như Công nghệ thông tin, quản trị doanh nghiệp, ngân hàng, tài chính thì có tính ứng dụng rất cao. Theo quy định cũ, những công trình, đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của cơ sở nhà nước thì bản quyền sẽ thuộc về nhà nước hoặc rất khó phân chia lợi nhuận. Nhà khoa học hoặc hội đồng nghiên cứu đề tài đó không có quyền tác giả và không được khai thác thương mại. Điều này lý giải vì sao rất nhiều công trình/đề tài nghiên cứu bạc tỉ lâu nay toàn bị lưu kho.
Nếu chính sách này cởi mở hơn, sẽ trao cho cơ sở cấp quỹ và nhà khoa học có quyền đàm phán với nhau về tác quyền và quyền khai thác thương mại trên cơ sở chia sẻ lợi ích. Cốt lõi của vấn đề nằm ở quyền sở hữu trí tuệ của công trình nghiên cứu. Điều này thực sự cần đặt ra để giải quyết nhằm đưa các đề tài nghiên cứu đi vào cuộc sống.
Thực ra, Luật Sở hữu Trí tuệ đã rất cởi mở. Cái vướng ở đây là trong tư duy nhà quản lý các cơ sở đào tạo, thường xem các sản phẩm nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách hoặc cơ sở vật chất của trường (Nhà nước) là thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Việc sở hữu trí tuệ với các đề tài nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo đã được ghi lại tường minh trong Luật GDĐH sẽ là một cơ sở pháp lý tạo bước tiến mới để các nhà khoa học, các trường ĐH chủ động hơn trong việc khai thác thương mại các kết quả nghiên cứu khoa học.
Thanh Hằng
“Nút thắt” cản trở giáo dục đại học sẽ được mở thế nào?
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học cần tạo ra sự đột phá về cơ chế, chính sách, gỡ bỏ những “nút thắt” cản trở giáo dục đại học phát triển.