Quyết định ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT phiên bản đầu tiên do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký Quyết định ban hành.
Theo đó, Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT là cơ sở xác định các thành phần, hệ thống CNTT cần xây dựng và lộ trình đầu tư, hạn chế ở mức tối đa vấn đề trùng lặp đầu tư, tiết kiệm chi phí và thời gian triển khai các hệ thống CNTT.
Việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT được thực hiện theo hướng dẫn của Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0 do Bộ TT&TT ban hành với mục đích làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch ứng dụng CNTT.
Kiến trúc Chính phủ điện tử được áp dụng cho tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT một cách kịp thời, chính xác, đạt các mục tiêu về quản lý nhà nước và phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua các hệ thống CNTT. Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải được áp dụng cho tất cả các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước do các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải chủ trì hoặc chủ đầu tư.
Từ quý I/2018, Trung tâm CNTT đã trực tiếp làm việc với các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ, các cơ quan tham mưu của Bộ để thống nhất nội dung, kế hoạch dự kiến triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử. Đơn vị tư vấn tiến hành phân tích số liệu và xây dựng dự thảo Kiến trúc, trong đó đã đưa ra các hệ cơ sở dữ liệu, mô hình sử dụng cơ sở dữ liệu, mô hình triển khai ứng dụng cũng như danh mục ứng dụng nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước, đồng thời gửi văn bản xin ý kiến của các đơn vị có liên quan để hoàn thành phiên bản kiến trúc đầu tiên này.
Bộ GTVT cho biết, việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cũng sẽ tăng cường khả năng kết nối, tích hợp và liên thông các hệ thống thông tin của Bộ GTVT trên một mô hình thống nhất. Việc sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin dùng chung sẽ được khai thác tối đa, tránh trường hợp đầu tư hạ tầng theo từng dự án thiếu hiệu quả khi vận hành thực tế.
Bên cạnh đó, Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT sẽ giúp nâng cao tính linh hoạt và đánh giá được hiệu quả đầu tư, đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ và ứng dụng được các công nghệ mới phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của ngành và cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu xã hội.
Cũng theo quyết định ban hành vừa được ký, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Trung tâm CNTT chủ trì xây dựng trình Bộ ban hành Kế hoạch triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT; Đồng thời đây cũng là đơn vị chủ trì giám sát, cập nhật, duy trì Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ GTVT.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ TT&TT trước tháng 9/2018.
Các bộ, cơ quan hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng; phối hợp với các địa phương nghiên cứu các giải pháp để tận dụng dữ liệu phát sinh trong quá trình các địa phương khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu, phần mềm do địa phương chủ động đầu tư, xây dựng, tránh lãng phí nguồn lực cập nhật, duy trì dữ liệu.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ban hành các quy trình thực hiện thủ tục hành chính thống nhất để áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng các phầm mềm dịch vụ công trực tuyến, phầm mềm 1 cửa điện tử thống nhất trên cơ sở tổ chức lại các phầm mềm hiện có; bảo đảm việc triển khai do 1 đơn vị đầu mối thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện và mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng thống nhất 1 phần mềm của bộ, tỉnh. Việc xây dựng phầm mềm phải bảo đảm tuân thủ các hướng dẫn, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành khác.