- Đánh giá Uber và Grab taxi đem lại nhiều tiện ích cho hành khách, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu: Uber, Grab cần phải hoạt động đúng luật, loại bỏ xe không đăng ký kinh doanh hoạt động vận tải nhưng vẫn sử dụng phần mềm Uber, Grab chuyên chở khách.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường:
- Hoạt động của Uber và Grab taxi đem lại nhiều tiện ích cho hành khách, nhưng lại đang bị các hãng taxi truyền thống “tố” hoạt động trái luật. Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc này?
Mô hình của Uber và Grab taxi trên thế giới đã dùng nhiều, bản chất là triển khai phần mềm để kết nối phương tiện vận tải theo kiểu sàn giao dịch vận tải. Thông qua dịch vụ này chủ phương tiện có thể kết nối được với người có nhu cầu đi lại thông qua hợp đồng điện tử (thay cho hợp đồng giấy).
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường. |
Tuy nhiên, Uber và Grab taxi xuất hiện ở VN cạnh tranh không lành mạnh với các hãng taxi truyền thống và các hãng taxi đã có ý kiến phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.
Hiện nay Uber và Grab có một số xe 7 chỗ trở xuống không đăng ký kinh doanh vận tải nhưng vẫn tham gia vận chuyển hành khách là vi phạm quy định pháp luật. Số xe này nếu không kiểm soát được thì sẽ có xu hướng gia tăng nhanh.
- Vậy theo ông làm thế nào để đưa ứng dụng Uber và Grab vào hoạt động một cách hợp pháp, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh với các hãng taxi truyền thống?
Bộ GTVT đã kiến nghị và được Chính phủ cho phép Grab áp dụng thực hiện thí điểm 2 năm tại 5 TP lớn trên cả nước. Theo đó, cho phép Grab triển khai phần mềm hợp đồng điện tử để kết nối giữa người có nhu cầu vận tải với người có nhu cầu đi lại.
Grabcar là loại hình kinh doanh vận tải hợp đồng điện tử, do vậy phải đảm bảo điều kiện của xe hợp đồng như: điểm đi điểm đến, đăng ký loại xe, hợp đồng giữa chủ xe và hành khách (hợp đồng điện tử qua dữ liệu)...
Ngoài ra, Uber, Grab cần phải loại bỏ xe không đăng ký kinh doanh vận tải nhưng sử dụng phần mềm Uber và Grab để vận chuyển khách. Điều này không phù hợp với quy định của pháp luật.
Tóm lại, Bộ GTVT mong muốn các DN taxi truyền thống áp dụng phần mềm vào quản lý, đồng thời kiên quyết không chấp nhận xe không có đăng ký kinh doanh vận tải mà vẫn vận hoạt động vận chuyển khách qua ứng dụng Uber và Grab.
Uber và Grab cần hoàn thiện khung pháp lý khi thực hiện thí điểm. |
- Chính phủ cho phép Grab thực hiện thí điểm, nhưng có ý kiến lo ngại sẽ xảy ra tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh?
Hoàn toàn không có sự canh tranh thiếu lành mạnh. Ngoài Grab nếu các hãng khác có mong muốn được thí điểm Bộ GTVT sẽ xem xét cho phép với những điều kiện tương tự, hoàn toàn không có sự độc quyền, cạnh tranh thiếu lành mạnh.
- Theo Thứ trưởng khi Grab triển khai thí điểm có nên khống chế số lượng xe không?
Hiện nay chưa cho thí điểm thì số lượng xe đã như thế rồi nên khi cho thí điểm số lượng xe cũng không tăng lên. Vấn đề là các xe này chuyển từ hợp đồng giấy sang hợp đồng điện tử thôi.
Tuy nhiên, Grab cũng phải tiếp tục hoàn thiện để hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, còn với Uber nếu muốn hoạt động ở VN thì phải xây dựng khung pháp lý và nếu chấp nhận được thì sẽ cho phép triển khai.
- Hiện nay Uber và Grabcar thường đưa ra mức giá cạnh tranh với các hãng taxi tuyền thống. Việc này có vi phạm về luật giá hay không?
Kinh doanh vận tải bằng hợp đồng là thỏa thuận giữa người vận chuyển và những người muốn vận chuyển và không áp giá trần.
Giá của Uber và Grab cũng rất uyển chuyển. Thực tế cho thấy khi giá xăng dầu giảm hôm trước thì ngay lập tức hôm sau Uber và Grab đã điều chỉnh giảm giá cước, nhưng với các hãng taxi truyền thống giảm cước rất chậm. Điều này dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng rất lớn.
- Xin cám ơn Thứ trưởng!
Vũ Điệp (Thực hiện)