Trong buổi Họp báo thường kỳ Quý I/2023 của Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN), một trong những vấn đề được đặt ra là việc hoàn thiện Đề án chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg, ngày 12/10/1998. Sau 25 năm phát triển, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút 104 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 100.000 tỷ đồng. Đến nay, tại đây có khoảng 30.000 nhân sự đang làm việc trực tiếp.

Trong 3 tháng đầu năm nay, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng, hoàn thiện Đề án chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội. Dự kiến trong quý II, Bộ sẽ trình Chính phủ Quyết định phê duyệt Đề án chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội.

Cơ sở mới của Đại học Quốc gia Hà Nội tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước, tiếp theo sau đó là sự xuất hiện của các khu công nghệ cao tại TP.HCM, Đà Nẵng và một số địa phương khác. 

Trong quá trình hình thành nên các khu công nghệ cao, Bộ KH&CN đã tham khảo rất nhiều mô hình, kinh nghiệm trên thế giới, từ của các nước châu Á như Hàn quốc, Đài Loan, Nhật Bản cho đến các nước châu Âu như Đức, Hà Lan,… Mỗi khu công nghệ cao của mỗi nước lại có một định hướng, cách làm khác nhau.

Việc lựa chọn đặt khu công nghệ cao ở vị trí xa trung tâm như Hòa Lạc nhằm tận dụng đất đai, tiết kiệm tài nguyên bởi đây vốn là khu vực không thuận lợi cho việc canh tác. Nhờ vậy, một vùng đồi núi khó phát triển giờ đây đã biến thành một khu vực tiềm năng phát triển cả về đô thị, văn hóa, giáo dục và công nghệ. 

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được định hướng sẽ trở thành khu công nghệ lõi, tập trung phát triển khoa học, thu hút nhiều viện, trung tâm nghiên cứu thay vì việc lấp đầy nhanh chóng bằng cách thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy. Ảnh: Trọng Đạt

Lý giải về sự khó khăn trong việc phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, nguyên nhân một phần do việc mất thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó còn là vấn đề “con gà quả trứng” bởi sự phát triển của khu công nghệ cao còn phải gắn liền với các trường đại học, đô thị, hệ thống kết nối giao thông.

Đến giai đoạn hiện nay, sau một thời gian phát triển, khi mà bối cảnh đã thay đổi, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng cần phải có sự thay đổi nhất định. 

Nếu Hà Nội tiếp nhận và giữ nguyên tinh thần phát triển công nghệ lõi thì Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi có thêm hạ tầng giao thông và phát triển được khu vực đô thị xung quanh. Bên cạnh đó, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng sẽ trở thành tiềm lực, tạo ra dư địa lớn cho sự phát triển của Hà Nội.