Hội nghị giao ban trực tuyến lần này có 142 điểm cầu trên toàn quốc.
Theo ông Đào Ngọc Dung, từ ngày 1/7 đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội và các địa phương đã triển khai rất khẩn trương, rất quyết liệt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68.
Đặc biệt là 23 tỉnh, thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất nhiều, có nhiều cách làm mới, đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, ông Dung nhận định, thời gian qua, dịch bệnh kéo dài, phức tạp khiến dòng người từ thành phố, đô thị, khu đông dân cư kéo về quê, về địa phương, về nông thôn với số lượng rất lớn. Điều này dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số bộ phận, lĩnh vực, địa bàn, đòi hỏi sớm khôi phục và phát triển thị trường lao động, góp phần khôi phục và phát triển nền kinh tế.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động |
Ông Dung cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang khẩn trương xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động, là một bộ phận cấu thành chương trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Những đề xuất tại buổi họp sẽ được chuyển cho Ban chỉ đạo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội xem xét, nhằm xây dựng giải pháp giúp giữ chân người lao động, thu hút người lao động đã về quê tiếp tục quay trở lại thị trường lao động, và giải pháp hỗ trợ điều tiết bổ sung lực lượng lao động cho những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn cấp bách và đặc thù cần phải ưu tiên.
Ông Dung cũng lưu ý một số vấn đề trong thời gian tới.
Thứ nhất, do tình hình dịch bệnh diễn biến quá nhanh, đối tượng rất đông nên một bộ phận người dân chưa được thụ hưởng chính sách, một số đối tượng còn bị bỏ sót…. Thời gian tới, những cái còn chưa tốt, khiếm khuyết cần tập trung khắc phục; tập trung tuyên tryền, giải thích đầy đủ những chính sách đã điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để người dân, người lao động, doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Thứ hai, cần quan tâm đến một số đối tượng chưa tiếp nhận được chính sách như: lực lượng lao động bị chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, không được hưởng lương; một số đối tượng lao động tự do ở các địa phương đã được chính quyền cho vào đối tượng nhưng chưa được hưởng chính sách; quan tâm đến gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai nhóm chính sách về đào tạo, đào tạo lại người lao động…
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó là công tác hoàn thiện hồ sơ giấy tờ, đảm bảo chính sách thông thoáng nhưng không để trục lợi.
Ông Dung cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát lại tình hình lao động, sản xuất kinh doanh dưới góc độ trách nhiệm của ngành để đánh giá thực chất tình hình lao động, việc làm và tình hình thiếu hụt lao động, cơ cấu lao động, chuyển dịch lao động. Qua đó kiến nghị các giải pháp, chính sách nhằm giữ chân người lao động, thu hút lao động quay trở lại làm việc và điều tiết lực lượng lao động.
Phương Mai