Tạm biệt sân bay
Cách đây 2 năm, vào ngày 26 Tết âm lịch, chàng trai Nguyễn Thanh Huy (Khánh Hòa) chính thức nghỉ công việc lễ tân ở phòng chờ thương gia tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, công việc mà nhiều người ước ao. Anh cho biết, nguyên nhân khiến anh nộp đơn xin nghỉ là do công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại mỗi ngày và anh cảm thấy không có sự phát triển bản thân. Không những thế, thời gian làm việc ở sân bay khá khắc nghiệt, thường xuyên phải đi sớm về khuya nên anh không có thời gian dành cho gia đình.
"Ngày cuối cùng tôi làm việc tại sân bay là 26 Tết. Thực ra lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là về quê ăn Tết, sau đó sẽ tính tiếp, chứ cũng chưa có kế hoạch gì. Kể ra cũng khá là bốc đồng, vì nghĩ, cứ nghỉ thì nghỉ thôi" - anh Huy nói.
Bỏ lương nghìn đô ở sân bay, anh Huy chính thức về khởi nghiệp, làm bạn với tôm hùm |
Để giấu gia đình chuyện nghỉ việc, hết Tết, anh Huy cũng theo dòng người từ quê ra Sài Gòn như thường. Nhưng bản thân anh lúc đấy cũng chưa biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Sau đó, phải mất đến vài ngày, 9x Khánh Hòa mới bình tĩnh, tìm được hướng đi mới.
"Người có tác động lớn nhất khiến tôi làm kinh doanh là bạn gái. Cô ấy đã gợi ý cho tôi về việc bán tôm hùm dạng take away. Tôi thấy rất thú vị, hợp lý nên đã nghiên cứu và tìm hiểu thị trường" - anh kể.
Những con tôm hùm tươi ngon, bắt mắt |
Đồng thời, anh cũng nhận thấy rằng, bản thân hiện đang có lợi thế là gia đình có truyền thống nuôi tôm hùm gần 20 năm. Từ khi còn nhỏ, anh đã được tiếp xúc với nhiều loại hản sản đặc biệt. Và suốt 2 năm làm ở sân bay, anh cũng thường xuyên bán online tôm hùm, thế nên, tệp khách hàng của anh cũng tương đối lớn.
Nhưng điều mà anh không bao ngờ tới là bản thân lại chuyển hướng kinh doanh chính thức tôm hùm. Bởi hồi còn bé, 9x Khánh Hòa từng nghĩ rằng, lớn lên mình sẽ không bao giờ nối nghiệp gia đình, không bao giờ liên quan tới tụi tôm hùm nữa.
Theo lý giải, anh Huy cho biết, khi anh còn bé, sáng nào anh cũng phải dậy từ 4 giờ sáng phụ ba mẹ làm mồi cho tôm ăn. Bởi thế mà ngày trước, tóc anh lúc nào cũng vàng hoe, còn da thì đen nhẻm.
"Chưa kể, có lúc, tôi còn tự mình chạy ghe ra bè để trông coi mấy con tôm. Kiểu như 1 mình lạc giữa đảo hoang, xung quanh tối thui, không một ánh đèn, gió mưa cũng phải chịu, rồi nằm co ro tới sáng chạy ghe về nhà xách cặp đi học. Thế nên, từ khi vào Sài Gòn học, tôi xác định làm gì cũng được miễn là tránh xa những con tôm hùm" - anh tâm sự.
Bước ngoặt định mệnh
Với anh Huy, thời gian đầu khởi nghiệp thực sự gian nan do dòng vốn có hạn. Hơn nữa, anh còn là dân ngoại đạo, không học chuyên về kinh tế, thế nên, khi bắt tay vào xây dựng mô hình, mọi thứ với anh đều mới tinh, nguyên bản.
Theo tiết lộ, trung bình mỗi ngày, cửa hàng anh Huy bán ra 30 - 40kg tôm hùm |
"Ban đầu, tôi tính mở 1 vựa hải sản. Tôi cũng đã lên kế hoạch, dự trù chi phí, hoạch định chiến lược, tìm phân khúc khách hàng. Nhưng đấy chỉ là thứ mình nghĩ, còn kinh doanh được hay không lại là chuyện khác. Bởi thương trường là chiến trường, mọi thứ đều phải sinh ra tiền mới tồn tại" - anh nói.
Do đó, anh Huy luôn tự đặt cho mình những câu hỏi cần phải giải đáp như mô hình kinh doanh sẽ đi theo hướng nào, điểm mạnh điểm yếu sẽ là gì và nếu có thì sẽ làm sao.
Cửa hàng của anh Huy chuyên về tôm hùm nên khách có thể mua tôm sống, tôm ngộp tuỳ vào túi tiền hay sở thích |
Thế nên, việc đầu tiên mà anh thực hiện khi bắt tay vào mở cửa hàng chính là thiết kế logo nhận diện thương hiệu, sau đó mới là kiếm mặt bằng.
"Do tiền thuê tiệm khá cao, chiếm gần 30% ngân sách mở cửa hàng. Nên mọi thứ tôi đều cố tự làm hoặc nhờ bạn bè trợ giúp để giảm chi phí. Đặc biệt là rút ngắn lại thời gian thi công, cải tạo để tiệm sớm đi vào hoạt động " - anh nhớ lại.
Đều như vắt chanh, hàng ngày, cứ từ lúc 6 giờ sáng, anh Huy cùng với nhân viên đánh xe đi lấy hàng, rồi mang về chế biến, buôn bán cho đến tận 10 giờ đêm. Công việc cứ diễn ra liên tục với cường độ cao trong suốt quá trình lập nghiệp của chàng trai trẻ.
Anh cũng tâm sự thật, thời gian đầu mở bán, đồng nghiệp, người quen ủng hộ nhiều nên anh mới bán hết hàng. Nhưng sau đó, mọi việc dần chậm lại, một phần là do kinh doanh chưa tới đích. Phần khác là do tôm hùm nổi tiếng về độ xa xỉ nhưng nay lại bày bán ngay trên vỉa hè nên ai cũng lo ngại về chất lượng.
Theo anh Huy, tình hình quán cứ chậm chậm như thế cho đến một ngày có Youtuber đến trải nghiệm tại cửa hàng. Rồi tiếng lành đồn xa, bắt đầu tiệm có thêm nhiều khách, khiến lượng đặt đơn ngày một tăng cao.
Để kịp làm hàng cung ứng, anh Huy phải nhờ tới 1 đầu bếp là đồng nghiệp cũ ở sân bay đến hỗ trợ. Đồng thời, anh cũng thuê thêm nhân viên đến phụ giúp cửa hàng.
Ngoài nguồn hàng chất lượng thì nước chấm tôm hùm chính là bí quyết khiến cửa hàng của 9x Khánh Hòa đông khách |
Theo tiết lộ, trung bình mỗi ngày, cửa hàng anh Huy bán ra 30-40kg tôm hùm. Trong đó, tôm sống là 750.000 đồng/kg, tôm ngộp là 560.000 đồng/kg.
Kể tiếp về chuyện khởi nghiệp, anh Huy tâm sự, chuyện anh mở cửa hàng, ba mẹ, người thân chỉ biết là kinh doanh thêm chứ vẫn không nghĩ là nghỉ việc. Phải tới khi cửa hàng nổi tiếng, khách càng ngày càng đông. Lúc đó gia đình mới thắc mắc tại sao suốt ngày ở cửa hàng thì thời gian đâu mà làm sân bay thì anh mới khai thật.
Anh cho biết, lúc đó, ba mẹ anh chỉ bất ngờ trước quyết định của con trai chứ không giận hay khó chịu gì cả. Nhưng đối với 9x Khánh Hòa, nhờ cú nhảy xa liều lĩnh mà giờ đây anh trở thành ông chủ của cửa hàng tôm hùm có số má ở đất Sài Gòn.
(Theo Dân Trí)