Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ tiếp nhận bệnh nhân nam S.A.S, (19 tuổi, ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) nhập viện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, hôn mê, suy hô hấp, tím tái toàn thân, đồng tử 2 bên giãn tối đa, không có phản xạ ánh sáng, tim loạn nhịp.

Ngay lập tức, hệ thống cấp cứu kích hoạt, bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn do ngộ độc lá ngón, tiên lượng rất nặng.

Theo người nhà của bệnh nhân, vì bố mắng nên S. đã vào rừng và ăn một lượng lá ngón lớn. Khi gia đình phát hiện, tình trạng bệnh nhân đã nặng nên đưa đến bệnh viện cấp cứu. 

Các bác sĩ nhanh chóng hút sạch đờm dãi, trợ tim và đặt nội khí quản, rửa dạ dày, cho S. thở máy. Sau 30 phút cấp cứu tích cực, bệnh nhân có mạch trở lại.

Sau đó, S. luôn trong tình trạng báo động đỏ, những cơn duỗi cứng, sốt liên tục do tình trạng tổn thương phù não lan tỏa và tổn thương phổi nặng nề. Các bác sĩ cho sử dụng thuốc an thần.

5 ngày sau, S. hết sốt, các phản xạ dần có trở lại. Bệnh nhân được cắt giảm an thần và cai thở máy. Đến ngày 13/6, người bệnh được rút ống nội khí quản và tiếp tục được chăm sóc tích cực, tập vận động và phục hồi chức năng.

Theo các bác sĩ, lá ngón chứa một chất kịch độc là alkaloid. Đây là hợp chất hữu cơ có chứa dị vòng nitơ, có tính bazơ, thường gặp ở trong nhiều loài thực vật và đôi khi tìm thấy trong một vài loài động vật.

Đặc biệt, alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid cũng có thể gây chết người.

Loại độc trong lá ngón ngấm rất nhanh, chỉ mất 5-30 phút qua đường tiêu hóa, thời gian gây chết người trung bình của độc lá ngón trong vòng từ 1-7 tiếng. Nếu ăn từ 3 lá trở lên sẽ có nguy cơ tử vong ngay lập tức.