Chúng ta có thể không tin ông Phó viện trưởng xuất thân lái xe là người thực sự xứng đáng với cương vị hiện tại. Nhưng, để chứng minh nhận định của mình, chúng ta cần những thông tin về năng lực của ông ta, chứ không thể chỉ căn cứ vào việc ông ta đã từng là lái xe.
Cách đây ít hôm, tôi nhận được một thư mời đi giảng nghiệp vụ ở một tòa soạn báo. Đó là một công việc khá thường xuyên của tôi trong nhiều năm qua. Nhưng mấy hôm nay, tôi bắt đầu nghĩ đến việc từ chối những lời mời như thế.
Hai ngày hôm nay, tôi đọc được quá nhiều những lời dè bỉu, thậm chí là mạt sát dành cho một người đàn ông, một Phó Viện trưởng một Viện thuộc Bộ Xây dựng, chỉ vì ông ta xuất thân từ một người lái xe. Trong tất cả những bài viết đả kích người đàn ông này, tôi không thấy tác giả nào chỉ ra ông ta đã làm sai điều gì, đã gây ra hậu quả gì bởi vì xuất thân từ một người lái xe. Nhìn cái cách mà danh dự của một con người có thể bị vùi dập đã từng làm một công việc không đủ danh giá, tôi sợ.
Ông Nguyễn Đình Toàn (phải) trao Quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam cho ông Nguyễn Anh Tuấn ngày 30/11/2015. Ảnh: Báo Xây dựng |
Sẽ là rất buồn cười khi so sánh câu chuyện người lái xe trở thành Viện phó với chuyện một trong những Tổng thống vĩ đại nhất lịch sử Hoa Kỳ, là Ronald Reagan có xuất thân là một diễn viên hạng xoàng. Bởi ông Viện phó ấy vốn dĩ chẳng được ai biết tới trước khi ông ấy được báo chí khui ra cái lý lịch lái xe. Song, nếu như ông ấy không phải từng là người lái xe, nhưng vẫn nhạt nhòa ở vị trí Viện phó và không để lại một chút dấu ấn nào, hẳn không có điều gì để nói.
Một người có xuất thân bình thường, có xuất phát điểm sự nghiệp ở vị trí thấp, lẽ nào không thể phấn đấu, học hỏi để có thể vươn tới những vị trí cao hơn trong cuộc đời? Nếu vậy, lịch sử hẳn đã không thể có những người nông dân áo vải cờ đào trở thành hoàng đế, hoặc anh hùng dân tộc. Vậy thì điều gì đã khiến cho quá nhiều người cảm thấy cay đắng với sự thăng tiến của một người lái xe trên con đường quan lộ đến như thế?
Bởi câu chuyện bổ nhiệm cán bộ gần đây có quá nhiều tai tiếng, từ chuyện Trịnh Xuân Thanh, đến Quỳnh Anh Thanh Hóa, từ cha con bổ nhiệm nhau ở Bình Định đến vợ chồng bổ nhiệm nhau ở Bà Rịa – Vũng Tàu… Những câu chuyện bi hài trong công tác cán bộ đã xói mòn niềm tin của cộng đồng, khiến người ta mặc nhiên tiêu cực hóa bất cứ điều gì có vẻ như bất thường trong mỗi trường hợp thăng tiến trên quan lộ ai đó. Nhưng, giữa thiếu niềm tin với việc mặc định tin vào mặt tiêu cực của một câu chuyện lại là những việc hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta có thể không tin ông Phó viện trưởng xuất thân lái xe là người thực sự xứng đáng với cương vị hiện tại. Nhưng, để chứng minh nhận định của mình, chúng ta cần những thông tin về năng lực của ông ta, chứ không thể chỉ căn cứ vào việc ông ta đã từng là lái xe.
Đánh giá một con người bằng xuất thân, bằng lý lịch, cũng giống như tuyên một bản án với căn cứ duy nhất là nhân thân bị can. Đó là điều phi nhân nhất mà con người chúng ta có thể nghĩ ra. Tôi dám chắc một điều rằng bất cứ ai trong thế hệ của tôi cũng có những trải nghiệm, hoặc chứng kiến những bi kịch con người từ cái gọi là chủ nghĩa lý lịch.
Tôi không muốn nói đến những trải nghiệm cá nhân, bởi nó quá phong phú. Ở một mức độ phổ quát thì việc đánh giá con người bằng lý lịch là một yếu tố quan trọng tạo nên sự dối trá mà chúng ta đang phải chứng kiến quá nhiều trong xã hội. Nó tạo ra những trí thức sử dụng bằng giả, những quan chức giở trò gian lận trong thi cử, tạo ra một xã hội mờ mịt và thiếu vắng lòng tin. Tất cả chỉ để có một tờ khai lý lịch, một nhân thân đẹp đẽ hơn tý chút.
Phạm Trung Tuyến