- Bầu nhân sự thay thế phải làm tắp lự trong 2-3 ngày. Nếu đưa ông A ra bỏ phiếu là phải dự kiến ông B thay vào đó - Chủ tịch QH nói tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) về dự thảo hướng dẫn thi hành nghị quyết QH về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm ngày 12/12.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, việc hướng dẫn quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm phải làm thận trọng, chu đáo. Đặc biệt tính toán tình huống chuẩn bị nhân sự thay thế trong trường hợp nhân sự đưa ra bỏ phiếu bị miễn nhiệm.

Hướng dẫn viết đơn từ chức

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Cần làm thận trọng quy trình lấy phiếu. Ảnh: Lê Nhung
Ông Hùng gợi ý, trong công tác cán bộ phải có sự chuẩn bị. Bởi qua hai lần lấy phiếu 49 nhân sự cấp cao, nếu ai đó bị tín nhiệm thấp chắc chắn cơ quan chức năng cũng đã nắm bắt được thông tin. Bởi vậy, cần chuẩn bị nhân sự thay thế để trong trường hợp QH miễn nhiệm một nhân sự nào đó, thì phải bầu được ngay người thay thế tại cùng một kỳ họp.

“Làm ngay tắp lự trong 2-3 ngày. Nếu đưa ông A ra bỏ phiếu là phải có ông B thay vào đó. Quyền lực phải liên tục”, ông Hùng khẳng định. Thậm chí, UBTVQH có thể tính đến việc hướng dẫn cả khâu viết đơn từ chức và hướng xử lý đơn đó.

Cũng theo Chủ tịch QH, cần làm thận trọng quy trình lấy phiếu. Trong đó, ĐBQH sẽ quyết định sinh mệnh các nhân sự mình đã bầu ra.

Muốn cho việc đánh giá của ĐB chính xác và khách quan, UBTVQH cần cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, quy định rõ các nội dung mà nhân sự phải giải trình trước QH. Tránh trường hợp ĐB không hoàn thành chức trách trước dân, bỏ phiếu không đúng ý dân.

“ĐB dân cử là để thực hiện quyền của dân chứ không phải quyền của cá nhân. Chứ nếu thực hiện quyền cá nhân thì lại sinh ra lợi ích cá nhân, mâu thuẫn cá nhân, quyền lợi cá nhân là không được”, ông Hùng khẳng định.

Trong “hồ sơ” của nhân sự đưa ra bỏ phiếu còn có thêm một nội dung là đánh giá của cơ quan và MTTQ (tập hợp ý kiến cử tri). Song theo Chủ tịch QH, việc lấy ý kiến đánh giá tại cơ quan là chưa đúng tinh thần Nghị quyết QH. Còn việc tập hợp ý kiến cử tri về 49 nhân sự cấp cao phải thận trọng chứ không thể muốn tùy tiện viết bất cứ đánh giá gì.

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai góp ý, từ khâu lấy phiếu đến bỏ phiếu tín nhiệm cần phải được làm ngay khi đã hội đủ điều kiện. “Nếu không, Nghị quyết sẽ không có đủ sức mạnh”, bà Mai nói.

Quy trình chuẩn bị người thay thế

Trước đó, trình bày dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, những người được lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị báo cáo tự nhận xét về mình. Với các nội dung như kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công việc, tự nhận xét về tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Đại biểu QH sẽ quyết định sinh mệnh các nhân sự mình đã bầu ra. Ảnh: Minh Thăng

Người được lấy phiếu cũng phải giải trình cụ thể các nội dung như kết quả lãnh đạo, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực được phân công; kết quả, chất lượng tham mưu, đề xuất về lĩnh vực đó. Đánh giá về việc hoàn thành trách nhiệm của cá nhân.

Người được lấy phiếu cũng sẽ phải báo cáo về năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Về tính năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng lực dự báo, xử lý tình huống khó, phức tạp trong phạm vi phụ trách. Ngoài ra, trong báo cáo giải trình sẽ có nội dung về kết quả lãnh đạo công tác cán bộ, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực phụ trách.

Một điểm mới trong dự thảo hướng dẫn là người được lấy phiếu sẽ phải báo cáo kết quả đánh giá tín nhiệm thực hiện tại cơ quan.

Ngoài ra, người được lấy phiếu phải giải trình về các nội dung được nêu trong các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như theo yêu cầu của ĐBQH.

Cũng theo ông Lý, trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc lần thứ hai liên tiếp có quá nửa số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm vào kỳ họp tiếp theo.

Nếu nhân sự không đạt yêu cầu thì QH sẽ quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm ngay trong cùng kỳ họp.

Cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự thay thế.

UB Pháp luật đề nghị UBTVQH kiến nghị với Ban Tổ chức TƯ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu hướng dẫn, làm rõ hơn quy trình công tác cán bộ trong việc xử lý các trường hợp nêu trên. Cụ thể là trách nhiệm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của Đảng khi có người không đạt mức độ tín nhiệm cần thiết. Trách nhiệm của người, cơ quan đã giới thiệu để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn người có tín nhiệm thấp. Rồi quy trình chuẩn bị nhân sự thay thế…

Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ bắt đầu vào kỳ họp QH tới (khoảng tháng 5/2013); HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thường lệ đầu tiên trong năm (khoảng tháng 6-7/2013).

Từ các năm tiếp theo, QH lấy phiếu tín nhiệm định kỳ vào kỳ họp thứ nhất trong năm, bắt đầu từ năm thứ hai.

Dự thảo Nghị quyết sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện trước khi thông qua vào phiên họp UBTVQH sắp tới.

Lê Nhung

‘Bỏ phiếu vì cái ghế, chế độ sẽ suy vong’
Những người cầm lá phiếu bỏ phiếu tín nhiệm vì lợi ích cá nhân hay vì cái ghế mình đang ngồi thì chế độ sẽ suy vong - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.
 
Phải thay được người không còn uy tín
Cán bộ nếu lấy phiếu mà đạt tín nhiệm thấp có quyền xin từ chức. Người tín nhiệm thấp phải tìm giải pháp tốt nhất cho bản thân trong danh dự.
 
Tín nhiệm thấp, cách chức luôn?
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, UB Pháp luật đề xuất nếu ai đó tín nhiệm thấp nên cách chức luôn.
 
Bản chất bỏ phiếu là bất tín nhiệm
Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão nói, phối hợp QH - cơ quan Đảng về nhân sự còn lúng túng. Nhân bàn bỏ phiếu tín nhiệm, QH nên chủ động hơn.
 
Nên bỏ phiếu tín nhiệm 49 nhân sự cấp cao
Thảo luận ở tổ, nhiều ĐBQH nói chỉ nên khoanh vùng ở 49 nhân sự cấp cao. Phải bỏ phiếu luôn, không nên "vòng vo" thêm quy trình lấy phiếu.
 
Đừng lo bỏ phiếu làm cán bộ 'chết oan'
Dù đề án về lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn chỉ có khái niệm “lấy phiếu” nhưng trong nội dung đề án lại đặt ra hai câu chuyện “lấy phiếu” và “bỏ phiếu”.