Xã Chư Răng, huyện Ia Pa (Gia Lai) có 2 thôn dân tộc thiểu số khó khăn. Ba năm nay, nhờ sự hỗ trợ của các chương trình MTQG, đặc biệt chương trình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ trên 20% (năm 2021) xuống dưới 13%.
Lãnh đạo xã cho biết ngoài tạo điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông thuận tiện giúp bà con đi lại, lưu thông hàng hoá, quan trọng nhất là sự hỗ trợ từ các nguồn đã tạo thêm việc làm, hỗ trợ con giống vật nuôi, cây trồng cho người dân.
Thôn Blôm, xã Chư Răng trong 3 năm qua có 31 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò sinh sản. Đến nay, một nửa số này đã thoát nghèo. Thực tế, từ những con bò sinh ra bê, bà con càng có động lực chăm sóc vật nuôi, tăng đàn, những vật nuôi này giúp nhiều bà con có thêm điều kiện cải thiện kinh tế gia đình, vừa nâng thu nhập, tạo việc làm, lại giúp chăm lo những chiều thiếu hụt khác như giáo dục, y tế. Điều này phản ánh việc hỗ trợ sinh kế đúng cách, đúng địa chỉ đã giúp công tác giảm nghèo đi đúng hướng, trúng mục tiêu.
Đầu năm 2024, gia đình anh Siu Thức, 36 tuổi, ở thôn Plei Du, xã Chư Răng, huyện Ia Pa, thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 1 bò sinh sản. Anh nói, gia đình không có đất sản xuất, quanh năm chỉ có thu nhập từ việc đi làm thuê, bấp bênh, luôn thiếu thốn. Nhận bò giống sinh sản, lại thêm hỗ trợ của nhà nước để có căn nhà nhỏ kiên cố, vững chãi, anh rất vui, coi đây là sản nghiệp quý để có thêm động lực vươn lên từng bước vượt qua khó khăn.
Ia Pa là huyện thuần nông còn nhiều khó khăn của tỉnh Gia Lai. Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 2.174 hộ nghèo (chiếm 15,26%) và 1.353 hộ cận nghèo (chiếm 9,5%). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,63%.
3 năm nay, huyện triển khai nhiều dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế.
Toàn xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, hiện có 572 hộ nghèo và 108 hộ cận nghèo. Qua điều tra, rà soát chi tiết, lắng nghe tâm tư của từng hộ gia đình, lãnh đạo huyện cho biết nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao là do số gia đình trẻ tách hộ ngày càng nhiều nhưng thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu sinh kế phát triển.
Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, UBND xã Pờ Tó đã cấp 105 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo, coi đây là sinh kế để bà con có động lực vươn lên.
Gia đình chị Nguyễn Thị Ngà (thôn 3, xã Pờ Tó) là một trong những hộ được nhận bò sinh sản thuộc Tiểu dự án 1- Dự án 3. 6 nhân khẩu trong gia đình chị hàng ngày trông chờ vào nguồn thu nhập từ gần một sào lúa nước và công việc làm thuê được chăng hay chớ. Xúc động khi nhận con bò sinh sản được chính quyền trao tặng, chị nói đây không chỉ là tài sản có giá trị mà còn là nguồn sinh kế lâu dài của gia đình.
"Từ khi nhận bò, vợ chồng tôi chia nhau đi cắt cỏ, dắt bò chăn thả và trồng thêm cỏ voi để chăm sóc bò thật tốt để sớm sinh sản”, chị Ngà chia sẻ.
Lãnh đạo huyện Ia Pa cho biết với đặc thù là huyện thuần nông, địa phương đã bám sát tình hình thực tế để lựa chọn các mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với phong tục, tập quán của nhân dân để giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để nguồn lực của Nhà nước phát huy hiệu quả, hàng năm, UBND các xã giao các thôn, làng bình xét và lựa chọn sau đó gửi các phòng, ban chuyên môn thẩm định xây dựng kế hoạch hỗ trợ các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế địa phương.
Trước khi cấp bò giống, cán bộ xã kiểm tra việc xây dựng chuồng trại của từng hộ, đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh môi trường xung quanh. Ngành chuyên môn cũng tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi, đảm bảo phù hợp với quá trình nuôi của từng hộ gia đình. Qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, đàn bò phát triển ổn định, người dân rất kỳ vọng đây là cơ hội để thoát nghèo trong những năm tới.