Bộ Tài chính ngày 7/10 đã có công văn số 10281/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương tiếp tục thông báo điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu; đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp để việc tăng chi phí định mức này không tác động làm tăng giá cơ sở tại kỳ điều hành.
Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng biến động giảm liên tục với biên độ rộng, khó dự báo (giá xăng dầu trong nước giảm trong 9 kỳ điều hành liên tiếp từ kỳ điều hành ngày 1/7 đến nay) có thể dẫn đến tâm lý e ngại khi nhập khẩu xăng dầu.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan quý III/2022 (đến 20/9): Sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu DO so với quý II/2022; trong đó chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhập khẩu.
Bộ Tài chính cho biết: Có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn nhưng không thực hiện nhập khẩu vào quý III như Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil; 2 thương nhân đầu mối thường nhập khẩu trong thời gian trước đây đã không thực hiện nhập khẩu vào Quý III/2022 như: Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.
Như vậy, theo nhận định của Bộ Tài chính, nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm có thể do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến khó lường (thời gian gần đây giảm liên tục).
Ngoài ra, Bộ Tài chính lưu ý hiện nay Nhà nước không quy định chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên. Chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng, năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp, số lượng các kênh trung gian trong hệ thống kinh doanh xăng dầu và sự phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống.
"Vì vậy, cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí", Bộ Tài chính nêu ý kiến.
Bộ Tài chính cho rằng, lập luận của Bộ Công Thương về việc chưa điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động... là chưa đủ cơ sở và chưa đúng với diễn biến thực tế thị trường hiện nay.
Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương đánh giá, làm rõ nguyên nhân khó khăn về nguồn hàng.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong việc rà soát đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Trước đó, ngày 6/10, liên bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10 để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu và việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi nhằm giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu từ nước ngoài và mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường.