- Nghị định 95/2013/NĐ-CP xử phạt người lao động bỏ trốn nơi làm việc theo hợp đồng có hiệu lực ngày 10/03/2014. Vậy nếu người lao động không về trước ngày 10/03 thì có bị phạt không? Phạt ai và phạt như thế nào? Nếu người lao động vẫn không về thì sao?
TIN BÀI KHÁC
(ảnh minh họa) |
Luật sư tư vấn như sau:
Theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng", thì tại Điều 35, vi phạm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và một số đối tượng liên quan khác (khoản 2) quy định như sau: 2. Phạt tiền từ 80.000.000 - 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú;
b) Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng;
c) Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.
Tuy nhiên, trường hợp người lao động Việt Nam đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại cư trú trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động trước ngày 10/10/2013, nếu tự nguyện về nước trong thời gian 3 tháng (tính từ ngày 10/10/2013 đến ngày 10/1/2014) sẽ được miễn xử phạt hành chính, không bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính nêu trên.
Ngày 27/01/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP. Theo đó, hạn cuối cùng để áp dụng xử phạt đối với lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng là sau ngày 10/3/2014 thay vì ngày 10/1/2014.
Theo đó, thời gian xử phạt hành chính cho lao động VN ở nước ngoài nếu tự nguyện về nước sẽ kéo dài đến 10/3/2014.
Sau ngày 10/3/2014, bất kỳ lao động Việt Nam nào làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại cư trú và làm việc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng mà bị phát hiện sẽ bị phạt tiền theo quy định trong Nghị định số 95 nói trên.
Theo Thông tư 32/2013 hướng dẫn NĐ 95, người vi phạm sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính và cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt trong thời hạn 30 ngày. Theo điều 5 TT 32 Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính không thể giao trực tiếp cho người vi phạm do không xác định được nơi ở, nơi làm việc của người bị xử phạt thì quyết định xử phạt vi phạm hành chính được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị xử phạt trước khi đi làm việc ở nước ngoài, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi đã ra quyết định xử phạt và được gửi cho gia đình người bị xử phạt hoặc người bảo lãnh (nếu có).
Trường hợp người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn quy định, thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người bị xử phạt cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài để ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, Nhà nước đã tạo điều kiện cho lao động xuất khẩu để về nước trước thời hạn trên. Nếu những lao động nào về nước sau thời gian trên thì khi phát hiện ra hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại NĐ 95/2013.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Nguyễn Viết Xuân, Hà Nội
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).