Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà cho biết, tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm 1,6% số vụ nhưng diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Báo cáo của Tổng đài 111 cũng cho thấy, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 72,84% tăng 5,3% so với năm 2020.

Đặc biệt một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội như: Vụ mẹ đẻ bạo hành con gái 6 tuổi ở tỉnh Hải Dương; vụ bé gái 8 tuổi bị “người tình” của bố bạo lực ở TP.HCM dẫn tới tử vong; vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị “cha dượng” bạo hành, găm đinh vào đầu; vụ người bố dùng dao cứa cổ 2 con.

Bạo lực xâm hại trẻ em chủ yếu xảy ra tại gia đình có phần do dịch

Trước con số này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho rằng, môi trường gia đình nhẽ ra là môi trường an toàn nhất cho trẻ nhưng lại xảy ra bạo lực với trẻ em. "Vậy con số đó đã đúng tình hình chưa hay là chỉ những vụ phát hiện được, phần còn lại là “chìm” chưa phát hiện được?”, bà Thủy nêu chất vấn.

{keywords}
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

Trả lời, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, bạo lực gia đình đang tăng lên rất nhanh. Đối tượng chính là trẻ em và phụ nữ. Nguyên nhân sâu xa của các vụ đau lòng thời gian qua là do không làm chủ hành vi, hành động của mình khiến hành động tàn bạo đau lòng không thể hình dung, khó tin.

"Có chuyên gia nói đó là hành vi của người điên rồ như vụ bắn 9 đinh vào đầu trẻ em. Cậu này thợ mộc, bản chất là dùng súng bắn đinh bắn vào đầu cháu bé. Đây là hành vi tưởng là điên rồ nhưng lại xảy ra", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải, năm 2021 bạo lực xâm hại trẻ em chủ yếu xảy ra tại gia đình do phần lớn thời gian các gia đình ở nhà do dịch Covid-19. Còn các năm khác là xảy ra ngoài xã hội và nhà trường nhiều hơn tại gia đình. 

Trước yêu cầu giải trình về điều tra xử lý 3 vụ việc bạo lực trẻ em gần đây của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, các vụ bạo lực trẻ em hầu hết do chính người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý các em.

Vụ việc diễn ra trong môi trường kín nên khó khăn trong việc phát hiện và phòng ngừa. Mặt trái của xã hội đã tác động đến nhận thức và hành vi dẫn đến nhiều người bị tiêm nhiễm lối sống lai căng, tiêu cực. Nhiều người dân còn quan niệm xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em là việc của mỗi gia đình, vì vậy chưa có ý thức tố giác để ngăn chặn nên nhiều vụ diễn ra trong thời gian dài mới phát hiện.

Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch Covid nên nhiều người mất việc làm, khó khăn trong kinh tế và mâu thuẫn gia đình là một trong những nguyên dân dẫn đến bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.

"Ngay sau khi vụ án xảy ra Bộ Công an và công an các địa phương đã vào cuộc ngay từ đầu. Như vụ bắn 9 đinh vào đầu bé 3 tuổi tại Thạch Thất đã chỉ đạo thu thập chứng cứ, chỉ đạo bắt ngay các đối tượng. Lãnh đạo Bộ đang chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng điều tra kết luận, và công khai kết quả điều tra”, ông Lanh cho hay.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu thực tế, không ít tổ chức, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm tới công tác trẻ em, xuống cấp đạo đức xã hội. Xung đột gia đình và sự ứng xử của người lớn sau ly hôn. Như 2 vụ ném trẻ em xuống sông đều là từ xung đột gia đình khiến hành động bất bình thường.

"Khi vợ chồng “có vấn đề” thì trẻ em chịu hậu quả đầu tiên", ông Dung cho biết bộ đã phối hợp với cơ quan tư pháp để phát hiện nhanh nhất, xử lý nghiêm nhất, và hỗ trợ các cháu tốt nhất.

Có người coi chuyện đánh con là quyền của cha mẹ

ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đặt vấn đề, việc truy cứu trách nhiệm bạo hành trẻ em chưa được xử lý nghiêm và chất vấn: "Vậy có rào cản nào trong thực thi pháp luật hay không?".

Bộ trưởng LĐ-TB-XH cho biết, Luật Hôn nhân gia đình quy định khi vợ chồng ly hôn thì nguyên tắc ai chăm sóc trẻ em tốt nhất thì được nuôi con, và dĩ nhiên là theo sự trao đổi của 2 người trước đó. Thực tiễn trong những vụ việc vừa xảy ra thì khó có thể biết hậu quả tiếp theo là gì. Các vụ việc đều xảy ra sau thời điểm ly hôn và do người tình. Đó là việc khó lường trước được.

"Cho nên đã đến lúc Việt Nam nên học hỏi các nước khác như vấn đề giám hộ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng tại Thụy Điển, khi nghe trẻ em khóc là lực lượng này có quyền vào gia đình để xem xét. Chứ chúng ta lực lượng công an vào nhà còn khó.

{keywords}
“Vụ bạo hành bé 8 tuổi dẫn đến tử vong tại TP.HCM do Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái thực hiện; vụ bắn 9 đinh vào đầu bé 3 tuổi tại thạch Thất; vụ ném cháu 5 tuổi xuống sông tại Quảng Nam làm nóng phiên giải trình

Vấn đề nữa theo ông Dung là môi trường xã hội chưa thực sự an toàn, còn xem nhẹ bạo lực gia đình, thờ ơ, 'đèn nhà ai nhà nấy rạng', khác với các nước khác. UNICEF họ nói tại các nước chỉ nghe thấy tiếng khóc của trẻ em và tiếng kêu của phụ nữ là báo công an ngay. Vì vậy, cái gì là kinh nghiệm quốc tế hay thì chúng ta cần học hỏi. Quan trọng là phát hiện và tố giác.

"Như vụ cháu bé 3 tuổi tại Thạch Thất trước khi bị bắn 9 đinh thì còn bị nuốt đinh, uống thuốc sâu. Nếu lúc trước bị tố giác thì đã ngăn chặn được các hành vi về sau rồi", Bộ trưởng phân tích.

Bên cạnh đó, theo ông Dung cần tuyên truyền nâng cao kiến thức cho trẻ em biết để tự bảo vệ mình. Thực tế vừa qua có việc trẻ em gọi điện đến tổng đài 111 phản ánh là bị bố mẹ bạo hành, đánh đập, và nói rằng “yêu cầu công an” đến bắt ngay bố mẹ mình. Ở nước ngoài việc giáo dục kỹ năng cho trẻ em rất được quan tâm coi trọng để trẻ tự bảo vệ mình.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ: "Điều khiến chúng ta xót xa, đau buồn, dư luận phẫn nộ là nhiều vụ bạo hành dã man trẻ em lại do chính những người làm cha, làm mẹ, người thân, người ruột thịt trong gia đình gây ra. Thương tâm hơn khi họ còn nhẫn tâm, mất nhân tính ném con nhỏ xuống sông, dùng đòn roi, đinh sắt, đánh đập, tra tấn dã man, gây thương tật, thậm chí làm tử vong".

Theo ông Mẫn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có văn hoá “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” khiến có người coi chuyện đánh con là quyền của cha mẹ...

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những việc chúng ta đã và đang thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn là chưa đủ.

Thu Hằng

Đừng vì hờn ghen mù quáng mà cướp đi mạng sống những đứa trẻ

Đừng vì hờn ghen mù quáng mà cướp đi mạng sống những đứa trẻ

Vụ cháu bé bị "dì ghẻ" bạo hành đến chết chưa xử lý thì đến vụ cháu bé bị ghim đinh vào đầu, nay lại vụ bố ném con xuống sông tử vong đang khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ.