Mạnh tay xử lý doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Tại buổi làm việc tiếp xúc cử tri tại Thanh Hoá ngày 25/4, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước mới đạt tỷ lệ 38% người lao động tham gia BHXH. Trong số này đa phần người lao động có suy nghĩ rút bảo hiểm một lần, tập trung ở nhóm công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, lý do của việc này là vì đời sống của công nhân còn khó khăn, họ cần rút bảo hiểm để giải quyết các vấn đề trước mắt, chưa tính được đến việc về lâu dài, đến tuổi già sẽ rơi vào tình trạng không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế.  

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tình trạng nợ đọng bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm còn nhiều. Hiện cả nước có tới 300.000 doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm. 

Số tiền mà doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm khoảng 13.000 tỷ đồng. Điều này khiến hàng trăm ngàn lao động không được hưởng BHXH, bảo hiểm y tế, các quyền lợi về thai sản, gây bức xúc, nhức nhối.

Ông Dung cho biết, việc xử lý vấn đề nợ, trốn đóng BHXH không chỉ phong tỏa hóa đơn, phong tỏa tài khoản doanh nghiệp là xong mà phải xử lý nghiêm, mạnh tay. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc, tiếp xúc cử tri tại tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: Bộ LĐ-TB&XH.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, tới đây nhiều chính sách liên quan đến BHXH sẽ được điều chỉnh, như việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm, thậm chí tiến tới có thể chỉ còn 10 năm để được hưởng lương hưu thay vì 20 năm như hiện nay.

Tăng lương đảm bảo mức sống tối thiểu

Liên quan đến các ý kiến của cử tri về tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, hiện Nhà nước chưa chính thức thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương.

Tuy nhiên, từ 1/7 tới tiền lương sẽ được điều chỉnh tăng để tương thích với tình trạng trượt giá, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, lạm phát tăng cao.

Việc điều chỉnh chính sách tiền lương hiện nay sẽ tập trung vào các đối tượng như: Cán bộ công chức, viên chức; người làm công ăn lương; người có công với cách mạng; người thuộc diện bảo trợ xã hội; người có hoàn cảnh khó khăn; cán bộ hưu trí, cán bộ y tế tuyến xã, tuyến cơ sở; giáo viên… 

Việc điều chỉnh chính sách tiền lương với các đối tượng này nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu.