Được báo giới quốc tế ví là “gương mặt mới của nước Pháp”, nữ Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên, lại là người Hồi giáo được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ mang tới một làn gió mới cho nền giáo dục nước này.
Bộ trưởng Giáo dục Pháp Najat Vallaud-Belkacem |
Người phụ nữ trên chính trường chỉ dành cho đàn ông da trắng
Najat Vallaud-Belkacem, sinh năm 1977, là một chính trị gia xã hội người Pháp gốc Ma-rốc. Tháng 8/ 2014, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên của Pháp được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Giáo dục.
Trước đó, Belkacem đã từng là Bộ trưởng Bộ Nữ quyền (từ tháng 5/2012 đến tháng 8/2014), Bộ trưởng Bộ Nội vụ thành phố (từ tháng 4/2012 đến tháng 8/2014), Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên (từ tháng 4/2012 đến tháng 8/2014) và phát ngôn viên Chính phủ (từ tháng 5/2012 đến tháng 3/2014).
Cô cũng là phát ngôn viên trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2007 của bà Ségolène Royal và một lần nữa là phát ngôn viên cho cuộc bầu cử Tổng thống sơ bộ của Đảng Xã hội Pháp năm 2011. Từ năm 2008, Belkacem là ủy viên hội đồng thành phố Lyon, chịu trách nhiệm về các sự kiện lớn, các vấn đề thanh niên và đời sống cộng đồng.
Là con thứ hai trong gia đình có 7 anh chị em, Najat Belkacem sinh ra ở một miền quê nghèo của Ma-rốc. Cô tốt nghiệp Viện Nghiên cứu chính trị Paris năm 2002. Cũng tại đây, Belkacem gặp Boris Vallaud – người cô đã kết hôn vào năm 2005.
Cô tham gia Đảng Xã hội năm 2002 và gia nhập nhóm của Gérard Collomb – thị trưởng thành phố Lyon.
Được bầu vào Hội đồng khu vực Rhone-Alpes năm 2004, cô giữ chức chủ tịch Ủy ban Văn hóa, và từ chức vào năm 2008. Năm 2005, cô trở thành cố vấn cho Đảng Xã hội.
Tháng 2 năm 2007, Belkacem tham gia chiến dịch tranh cử của bà Ségolène Royal với tư cách phát ngôn viên cùng với Vincent Peillon và Arnaud Montebourg.
Về vấn đề hôn nhân đồng giới ở Pháp, cô khẳng định rằng sự hợp pháp hóa là vấn đề của “tiến trình lịch sử”.
Cô tự nhận mình là “một người Hồi giáo không tích cực”.
Nữ chính trị gia khiêm nhường
Najat Vallaud-Belkacem là phụ nữ đầu tiên, cũng là người Hồi giáo đầu tiên giữ một chức vị cao và có ảnh hưởng như vậy ở Pháp |
“Dung hòa những thứ không thể hòa hợp” là cách mà Bộ trưởng Giáo dục 37 tuổi, mẹ của 2 đứa con sinh đôi Najat Vallaud-Belkacem nói về thách thức của việc phải cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống riêng.
Trò chuyện với tạp chí Vogue, khi được hỏi chính trị gia thần tượng của cô là ai thì cô trả lời rằng cô không có thần tượng. “Tôi chưa bao giờ tìm được ai có thể dung hòa được cả 2 thứ này”, rồi cô cười lớn. “Tôi đang nghĩ tới Kỳ quan Phụ nữ” – bà mẹ 2 con nói đùa.
Là người phụ nữ đầu tiên, người Hồi giáo đầu tiên giữ một chức vị cao và có ảnh hưởng như vậy ở Pháp, cô được báo chí quốc tế đặt biệt danh là “gương mặt mới của nước Pháp”. Cô được xem là biểu tượng của một đất nước đang thay đổi và đa dạng hóa.
Ông Dominique Moïs – một nhà bình luận chính trị, giáo sư tại Sciences Po đánh giá: “Cô ấy có một sự quyến rũ không thể chối cãi. Và rõ ràng cô ấy là một chính trị gia giỏi, chính bởi vì cô ấy mang lại cho người ta ấn tượng rằng cô ấy có thể học hỏi từ người khác và cô ấy không trả lời được tất cả các vấn đề. Cô ấy đủ thông minh để biết rằng nên tỏ ra khiêm tốn”.
“Sự thăng tiến của cô ấy rất thú vị” – nhà báo Audrey Pulvar, người từng tranh luận với Vallaud-Belkacem trong chương trình On n’est pas couché nhận xét. “Cô ấy là một người phụ nữ ở một đất nước mà hiếm khi nhìn thấy phụ nữ hoặc những người thuộc các dân tộc khác giữ một vị trí quyền lực. Chính trị ở Pháp luôn là chuyện của đàn ông da trắng”.
Có lẽ Vallaud-Belkacem cũng không đoán được những gì đang đợi cô ở phía trước sau khi nhiệm kỳ của Tổng thống Hollande kết thúc vào năm 2017. “Cô ấy còn 2 năm nữa để cho thấy những gì mình làm được” – ông Pulvar, người tin chắc rằng các trường học của Pháp cần phải tiếp tục cải cách đã nói như vậy. “Chúng ta sẽ phải chờ đợi và xem xem, nhưng cá nhân tôi cho rằng cô ấy có một sự nghiệp chính trị rạng rỡ ở phía trước”.
Ông Moïs đánh giá cô là một ứng cử viên tiềm năng của Đảng Xã hội Pháp. “Vallaud-Belkacem là một gương mặt khiêm tốn, cởi mở và luôn mỉm cười. Cô là hiện thân cho sự thành công của tiến trình hội nhập ở Pháp”.
“Tôi không xem việc trở thành một chính trị gia là kế hoạch cho sự nghiệp” – nữ Bộ trưởng nói về tương lai của mình. “Tôi xem nó là một cơ hội nhiều hơn”.
- Nguyễn Thảo (tổng hợp)